Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán? 

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thực hiện khá tốt. Tuy nhiên trong năm 2022, vẫn có ngộ độc rượu khiến nhiều người chết. Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề, vậy công tác đảm bảo ATTP được thực hiện ra sao?

Vấn đề quan tâm nêu trên không những của người dân mà còn là của nhiều ngành, nhiều cấp quản lý. Tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời do HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 8/1, ông Ngô Văn Hà - Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành đã nêu thắc mắc.

Cụ thể, để tiếp tục kiểm soát tốt nguồn hàng vào 3 chợ đầu mối thì công tác phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước để kiểm soát nguồn hàng, truy suất nguồn gốc, đảm bảo vấn đề ATTP tại chợ đầu mối trong và sau Tết Nguyên đán 2023 ra sao?

Đại biểu chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”. Ảnh: HĐND TP Hồ Chí Minh cung cấp.
Đại biểu chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”. Ảnh: HĐND TP Hồ Chí Minh cung cấp.

Ông Lê Minh Hải - Phó Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay sản lượng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành đưa về tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh rất lớn, tập trung chủ yếu vào 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm: Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức.

Nhằm phối hợp kiểm soát thực phẩm từ nguồn và kết nối các sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ các tỉnh đưa về TP tiêu thụ, Ban Quản lý ATTP ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 15 tỉnh, thành: Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long phối hợp công tác quản lý; kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm ATTP với 302 trang trại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (các sản phẩm thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả).

Việc kiểm soát ATTP được thực hiện chặt chẽ từ khâu sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác…) cho đến cơ sở sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm, và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Tại 3 chợ đầu mối, Ban Quản lý ATTP có 3 đội Quản lý ATTP hàng đêm trực tiếp phối hợp với Ban Quản lý chợ để kiểm tra. Do đó ông Hải cũng mong muốn các Ban Quản lý chợ truyền thống cùng phối hợp với Ban Quản lý ATTP triển khai chương trình đảm bảo ATTP, thông qua việc giám sát, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm kinh doanh tại chợ.

Một vấn đề khác cũng được người dân quan tâm là hoạt động kinh doanh thực phẩm qua mạng xã hội, hoặc thực phẩm nhà làm (TPNL) hiện nay khá phổ biến. Ông Lê Minh Hải cho biết nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên việc mua thực phẩm trực tuyến ngày càng phổ biến. Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, việc mua sắm thực phẩm không còn bị hạn chế. Nhưng việc mua thực phẩm trực tuyến, qua mạng xã hội đã trở thành thói quen mua sắm của một bộ phận người tiêu dùng vì những tiện ích mà nó đem lại.

Trên các mạng xã hội Facebook, Zalo…, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm thực phẩm, được giới thiệu TPNL từ những món ăn vặt đến thức ăn được nấu sẵn. Các thực phẩm này đa dạng, phong phú cả về loại thực phẩm, đủ mọi giá phù hợp với mọi đối tượng từ trẻ em, học sinh, sinh viên đến những người bận rộn.

Về thắc mắc của cử tri đối với nguy cơ không ATTP của TPNL như thế nào và sẽ bị xử lý ra sao? Ông Lê Minh Hải khẳng định đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh TPNL chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, do thói quen, vẫn có người tiêu dùng mua hàng handmade mà ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hay thương hiệu.

Các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dưới dạng TPNL thường không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về ATTP, việc mua bán chủ yếu dựa vào niềm tin nên cơ quan Nhà nước khó kiểm soát và hướng dẫn các quy định trong sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo ATTP.

“Hình thức kinh doanh TPNL qua mạng xã hội tiềm ẩn các nguy cơ về mất ATTP, là mối nguy ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng. Nguy cơ ngộ độc TPNL liên quan đến những yếu tố như chất lượng thực phẩm thường không ổn định giữa các lần sản xuất do nguyên liệu đầu vào, phụ gia sử dụng không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng; không có quy trình sản xuất cụ thể; phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát; chất lượng nguyên liệu đầu vào và thành phẩm không được kiểm soát định kỳ… Chính những yếu tố này dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng khi sử dụng TPNL” - ông Lê Minh Hải nhận định. 

Vì vậy ông Hải khuyến cáo khi mua thực phẩm, cần lưu ý đến thông tin địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của người bán, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin. Cần tìm hiểu kỹ các thông tin thành phần cấu tạo sản phẩm, giá trị dinh dưỡng (bằng chứng khoa học về khả năng mang lại giá trị cho người sử dụng), yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản…

“Để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần cân nhắc lựa chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng đáp ứng các quy định về đảm bảo ATTP” - ông Hải khuyến cáo.

Về công tác đảm bảo ATTP trong và sau Tết Quý Mão 2023, ông Lê Minh Hải cho rằng Ban Quản lý ATTP sẽ tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong khoảng thời gian này; tăng cường tuyên truyền, sử dụng các sản phẩm từ cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, có địa điểm kinh doanh buôn bán rõ ràng, tránh sử dụng sản phẩm buôn bán trôi nổi. 

Người dân nếu phát hiện các hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thì báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm.