Nhìn lại hành trình “đau khổ” gần 20 năm của tuyến đường này có thể thấy đó là sự vô lý đến mức khó chấp nhận.
Tuyến đường 20 năm chưa có một ngày "lành lặn"
Đường NHC có chiều dài 3,2km, nối từ giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Thánh Tôn (quận 1) vào cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), gồm một số hạng mục quan trọng như cầu vượt, hầm Văn Thánh, được khởi công xây dựng từ năm 1997 và hoàn thành vào năm 2002.
Ngay khi tuyến đường NHC chưa hoàn thành, một hạng mục quan trọng của dự án là hầm chui Văn Thánh đã bị bủa vây trong bê bối về đầu tư xây dựng, bị lún hơn mét và phải đập bỏ, xây dựng mới hoàn toàn và cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án rút ruột…
Riêng hạng mục đường NHC, ngay sau khi đưa vào sử dụng đã bị lún nghiêm trọng, kết quả kiểm định cho thấy, toàn bộ tuyến đường bị lún từ 0,05 đến 0,7m so với thiết kế. Những kết quả kiểm định trong thời gian gần đây cho thấy, đường NHC có xu hướng ngày càng lún, nhiều đoạn có độ lún gần 1m so với thiết kế.
Có thể nói kể từ khi được khai sinh (2002) đến nay đã 17 năm, nếu tính từ ngày được xây dựng đến nay đã 22 năm, tuyến đường này chưa có một ngày ở trong tình trạng lành lặn. Do bị lún sâu nên tuyến đường này trở thành cái rốn ngập nước của cả khu vực, mưa lớn là toàn bộ tuyến đường biến thành con sông khổng lồ.
Việc sửa chữa đường NHC đã được đặt ra từ những năm 2005 - 2007 ngay sau khi cơ quan chức năng có kết luận chính thức về nguyên nhân khiến tuyến đường bị lún là do nằm trên vùng đất không ổn định.
Năm 2007, Sở Giao thông – Vận tải giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuê đơn vị tư vấn là Phân viện Khoa học công nghệ Giao thông – Vận tải miền Trung thực hiện khảo sát, lập dự án nghiên cứu phương án sửa chữa.
Năm 2009, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương chỉ định Tổng Công ty Xây dựng số 1 thực hiện sửa chữa đường này theo hình thức hợp đồng tổng thầu “chìa khóa trao tay”. Vì nhiều lý do việc này đã không thành công.
Cũng trong năm 2009, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đề xuất phương án sửa chữa đường NHC. Có 2 phương án, phương án trị giá 250 tỉ đồng gia cố nền đường bằng cọc ximăng đất và phương án 2 có vốn đầu tư 550 tỉ đồng, gia cố nền đường bằng cọc bêtông. Do thiếu vốn để triển khai dự án nên việc sửa chữa đường NHC theo đề xuất bị gác lại.
Năm 2010, lãnh đạo TP tiếp tục yêu cầu tái khảo sát, nghiên cứu thật kỹ; đánh giá đúng hiện trạng và các nguyên nhân hư hỏng do lún nền đường và tình trạng ngập nước thường xuyên... để có giải pháp xử lý căn cơ. Các giải pháp xử lý lún nền đường phải khắc phục triệt để một lần.
Cuối cùng vẫn phải dùng ngân sách để sửa đường
Năm 2015, Tập đoàn Vingroup đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh giao cho họ được đầu tư dự án cải tạo đường NHC theo phương thức đầu tư - chuyển giao. TP đã giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất này nhưng cuối cùng việc này không thành.
Trong một thời gian rất dài, việc sửa chữa đường NHC gặp bế tắc về nguồn vốn, để giải quyết việc ngập nước thành phố đã ký hợp đồng thuê siêu máy bơm với giá 14,5 tỷ đồng/năm để chống ngập cục bộ cho tuyến đường. Mặc dù có máy bơm nhưng tuyến đường NHC vẫn không thoát được ngập nước.
Sau khi thất bại với các giải pháp tìm nguồn lực xã hội hóa để sửa đường NHC, năm 2018 Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị TP sử dụng nguồn vốn ngân sách để thực hiện dự án và được chấp thuận.
Hiện nay dự án sửa đường NHC đang được triển khai, với tổng nguồn vốn gần 473 tỷ đồng (chỉ bằng 60% so với đề xuất trước đây của nhà đầu tư theo phương thức xã hội hoá – PV). Thời gian thi công dự án là 1,5 năm, dự kiến có thể hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một chuyên gia về giao thông khi nhìn lại số phận con đường “đau khổ” NHC đã phải thốt lên: “Không thể tin được, rất rối rắm, vô lý khó chấp nhận. Khách quan mà nói việc sửa chữa tuyến đường NHC liên quan đến đầu tư công, rất rối rắm, phức tạp về thủ tục, nguồn vốn việc kéo dài là đương nhiên nhưng kéo dài gần 20 năm là khó chấp nhận”.
Cũng theo vị chuyên gia này, cái vô lý nhất là dự án làm đường NHC lại được giao cho Công ty sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư (ông Lê Tấn Hùng là chỉ huy trưởng đã bị bắt).
Việc giao một dự án làm đường NHC vào tay một đơn vị không hề có chuyên môn về giao thông đã dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng và kéo dài cho đến ngày nay. Ai phải chịu trách nhiệm cho con đường NHC đến nay còn bỏ ngỏ và cũng chẳng mấy người còn nhớ.
Cái vô lý thứ 2, người ta cứ đổ cho việc là đường NHC nằm trên túi bùn, không ổn định nền đường… dẫn đến sụt lún. Xét về mặt kỹ thuật, việc xây dựng tuyến đường NHC không phức tạp như việc xây dựng các cao ốc dọc tuyến đường này, từ cả chục năm trước người ta đã xây dựng các cao ốc cao 30 - 40 tầng mà không có vấn đề gì. Việc lấy lý do phức tạp về mặt kỹ thuật là cách để thoái thác trách nhiệm.
Sau 20 năm nhìn lại số phận con đường NHC có thể nói nếu dự án này được giao cho một đơn vị có chuyên môn, tuân thủ đúng và đầy đủ về khảo sát, thiết kế, xây dựng thì sẽ không có câu chuyện ngân sách phải 2 lần đầu tư cho tuyến đường này.