Chiều 21/3, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì buổi họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP. Nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: an toàn phòng cháy chữa cháy trong mùa khô; tình hình bệnh tật ở trẻ em trong mùa nắng nóng…
Về vấn đề bệnh tật khiến nhiều người, trong đó có trẻ em thường mắc phải vào mùa nắng nóng, và biện pháp phòng ngừa, được bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC giải thích.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, vào tháng 3 và 4 hàng năm là khoảng thời gian thường ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp bệnh tay chân miệng (TCM), thủy đậu, quai bị và có thể hình thành các chùm ca bệnh trong các trường học hoặc những khu vực tập trung nhiều trẻ em.
Theo hệ thống giám sát dịch tễ bệnh truyền nhiễm của TP, trong 11 tuần đầu năm 2024, TP có 1.495 ca TCM đến khám và nhập viện, riêng tuần vừa qua (tuần 11) đã có 107 ca TCM; đối với bệnh thủy đậu, trong 11 tuần đầu năm 2024 có 328 ca được báo cáo, trong 4 tuần qua không ghi nhận ca mới. Từ sau đợt bùng phát đau mắt đỏ (tháng 9/2023), đến nay TP chỉ còn vài ca rải rác, không ghi nhận các chùm ca bệnh đau mắt đỏ trong trường học.
Cũng theo bác sĩ Nga, ngành y tế TP luôn xem chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt phòng chống dịch bệnh trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học được triển khai thường xuyên và được giám sát chặt chẽ của các trung tâm y tế, trạm y tế dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của HCDC.
Nếu trẻ được chẩn đoán là các bệnh truyền nhiễm, cần cho trẻ nghỉ ở nhà đúng thời gian quy định, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác, thai phụ hoặc người chưa có miễn dịch để tránh lây lan bệnh. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động thể lực phù hợp cũng góp phần nâng cao sức đề kháng đối với các bệnh truyền nhiễm.
Ngoài các bệnh truyền nhiễm nêu trên, bác sĩ Lê Hồng Nga còn thông tin thêm trong mùa nắng nóng, hiện nay tại một số tỉnh, thành đang xuất hiện các ca bệnh dại. Do đó, ngành y tế TP cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại.
Trong trường hợp người bị chó, mèo cắn cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn (rửa bằng xà bông) và đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng kịp thời; không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế.