TP Hồ Chí Minh: "Ngày trở lại" của thị trường bất động sản còn xa

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cung giảm, cầu giảm, thanh khoản giảm... hoạt động kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh tăng trưởng âm, các chuyên gia cho rằng dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng “ngày trở lại" của thị trường bất động sản vẫn còn xa.

Bất động sản duy trì tăng trưởng âm

Phát biểu tại tọa đàm "Triển vọng thị trường bất động sản" do Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) tổ chức chiều ngày 27/10, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Hoàn Quân cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, TP Hồ Chí Minh có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn được đưa ra thị trường (gồm 13.767 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng). Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm 9.969 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản của TP Hồ Chí Minh ghi nhận tăng trưởng âm 8,71% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm 11,58% và quý I/2023 tăng trưởng âm đến 16,2%.

Giám đốc Trần Hoàng Quân (thứ 2 từ trái qua) cùng các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tiểu Thúy
Giám đốc Trần Hoàng Quân (thứ 2 từ trái qua) cùng các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tiểu Thúy

Đặc biệt, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng năm 2023 giảm 4,7% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.

“Qua những số liệu trên cho thấy, dù thị trường bất động sản đã ít nhiều phục hồi với quý sau tăng trưởng ít âm hơn quý trước và đã góp phần thúc đẩy ngành xây dựng hồi phục. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản còn hạn chế, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường. Điều này đồng nghĩa khó khăn vẫn đang ở phía trước” – ông Quân nói và nhấn mạnh, thời gian tới, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, đề nghị HoREA nghiên cứu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản mở rộng không gian phát triển; nghiên cứu cơ chế phát triển đồng bộ thị trường vốn, xây dựng, lao động…

“Đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần chủ động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tinh giảm bộ máy, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo,... để tiết giảm chi phí hoạt động. Tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác; tái cơ cấu sản phẩm bất động sản theo nhu cầu thực của thị trường, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp. Rà soát giá bán, thời hạn, phương thức thanh toán,... phù hợp thực tế, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là đối tượng có nhu cầu thực sự” – ông Quân nói thêm.

"Lộ diện" 2 điểm nghẽn của thị trường bất động sản

Đánh giá về thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh, ông Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, thị trường bất động sản tăng trưởng từ âm nhiều đến âm ít, chưa dương nổi là đang phục hồi chậm.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản cần được giải quyết vấn đề cung và cầu vì sản phẩm đầu cơ chiếm áp đảo, còn sản phẩm cho người nhu cầu thực thì quá ít. Ảnh: Tiểu Thúy
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản cần được giải quyết vấn đề cung và cầu vì sản phẩm đầu cơ chiếm áp đảo, còn sản phẩm cho người nhu cầu thực thì quá ít. Ảnh: Tiểu Thúy

“Nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn cải thiện từng tháng, từng quý nhưng năm nay khó có tăng trưởng cao, để đạt GDP 5% thì quý IV phải tăng trên 7%. Trong bối cảnh đó, ngành bất động sản còn khó hơn vì liên quan thị trường tài chính, tín dụng” – ông Lịch phân tích.

Đồng thời, ông Lịch cũng chỉ ra 2 điểm nghẽn lớn của bất động sản là thể chế và hấp thụ vốn. Trong đó, điểm nghẽn hấp thụ vốn được xem là khó khăn lớn nhất. Theo đó, từ quý IV/2022, bất động sản đã khó khăn về nguồn tiền, lãi suất cao. Cả năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng, giảm lãi suất. Hiện nay, lãi suất đã kéo giảm, nhiều chính sách thể chế đang tháo gỡ, dự báo sẽ có sự tích cực từ đây đến cuối năm và qua năm 2024. Tuy nhiên, năm 2024, kinh tế chưa hi vọng khởi sắc mạnh mẽ nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn năm 2023.

“Thị trường bất động sản không thể đổ vỡ, nhưng để thuận lợi như trước năm 2019 thì rất khó. Thị trường có thể chuyển từ âm ít sang dương ít vào quý IV/2023, khởi sắc hơn từ quý II/2024. Song, để đạt được mục tiêu này, thị trường bất động sản cần giải quyết vấn đề cung và cầu vì sản phẩm đầu cơ (phục vụ tầng lớp cấp cao) chiếm áp đảo, còn sản phẩm cho người nhu cầu thực thì quá ít, đây là căn bệnh phải điều trị. Không phải ngẫu nhiên, Chính phủ mạnh mẽ phát triển nhà ở xã hội, mà là để cung cầu gặp nhau, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng" - ông Lịch nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển bền vững cần phải hướng về nhu cầu thực. Mặt khác, để giải quyết khó khăn của thị trường Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc pháp lý sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững: “Hiện nay các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được hoàn thiện, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ liên tục được ban hành”.

 

Cần một “cuộc cách mạng” về nhà ở xã hội

“Không riêng gì TP Hồ Chí Minh, người mua nhà ở xã hội ở cả nước đều đang gặp vướng mắc chung, đó là đối tượng muốn mua nhà ở xã hội phải được xác nhận chưa có nhà. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ quan, kể cả chính quyền địa phương chỉ xác nhận người này ở địa phương nơi người đó đăng ký. Địa phương không có thông tin để xác nhận trên diện rộng, do đó vấn đề xác nhận là một điểm nghẽn. Với khó khăn này, TP Hồ Chí Minh đang kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ điểm nghẽn” – Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Hoàn Quân

“Cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt trong các quy định còn bất cập, nới các điều kiện để giúp người mua tiếp cận nhà ở xã hội thuận lợi hơn. Trong đó cần sớm nâng cả mức đóng thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh ít nhất 25%. Tức tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 lên 13 triệu đồng và tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4,4 triệu lên 5,5 triệu đồng mỗi tháng” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu