Chiều 16/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh họp báo nhằm thông tin một số mặt của đời sống.
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay số hồ sơ của người khuyết tật đi khám sức khỏe để thi giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1 và hạng B1 rất hạn chế vì thiếu cơ sở y tế khám sức khỏe cho người khuyết tật thi GPLX, chưa có quy định cụ thể như thế nào là hồ sơ sức khỏe đủ điều kiện thi GPLX.
Theo ông Bùi Hòa An, Thông tư 12 của Bộ GTVT có quy định người khuyết tật nộp hồ sơ thi GPLX phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ GTVT và Bộ Y tế. Do đó, người khuyết tật muốn thi GPLX theo từng hạng phải có kết luận của cơ quan y tế về điều kiện sức khỏe. Thế nhưng, nhiều bác sĩ khi khám sức khỏe cho người khuyết tật đi thi GPLX không dám kết luận đủ sức khỏe. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo và thi GPLX đối với người khuyết tật trên địa bàn lại không có sân tập lái và sân sát hạch.
“Sở GTVT hiện đang đề nghị Trường Cao đẳng GTVT thuộc Sở cố gắng thực hiện công việc này để đáp ứng nhu cầu tập xe của người khuyết tật trên địa bàn. Sở GTVT cũng đã gửi văn bản cho Cục Đăng kiểm và ngành y tế TP Hồ Chí Minh để thống nhất cơ sở pháp lý cho người khuyết tật thi GPLX. Việc xây một cơ sở đào tạo hay sân sát hạch, tập lái cho người khuyết tật có thể làm được nhưng cơ sở pháp lý không thống nhất cũng như cách hiểu của các cơ sở y tế khi xác minh sức khỏe người khuyết tật thi bằng lái”, ông Bùi Hòa An chia sẻ.
Cũng theo ông Bùi Hòa An, đối với xe mô tô 3 bánh được hoán cải dành cho người khuyết tật tập lái, đi thi GPLX hạng A1 hoặc B1 và sử dụng sau này, theo quy định phải được cơ quan có thẩm quyền đăng kiểm, đăng ký và cấp biển số. Nhưng hiện nay tại hầu hết các Sở GTVT tỉnh, thành không có chức năng nhiệm vụ lập hồ sơ hoán cải đối với các loại xe này. Trong khi theo quy định, đây là các loại xe chuyên dụng do Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm cấp. Bên cạnh đó, các cơ sở hoán cải xe tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác cũng rất ít làm hồ sơ chuyên nghiệp về loại xe này nên người khuyết tật ở TP và các địa phương muốn thi GPLX gặp rất nhiều khó khăn.
Dự kiến thời gian tới, Bộ GTVT tổ chức 3 đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch để tìm những điểm khiếm khuyết, chưa đồng bộ đối với quy định của pháp luật về thi GPLX đối với người khuyết tật. Sở GTVT cũng sẽ đề nghị thêm các giải pháp nhằm đảm bảo nhu cầu của người có khiếm khuyết về cơ thể tham gia giao thông một cách an toàn.