TP Hồ Chí Minh: Nhà thầu Hitachi kiện đòi MAUR bồi thường gần 4.000 tỷ đồng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Số tiền gần 4.000 tỷ đồng do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) bồi thường, được MAUR khẳng định đa phần các khiếu nại của nhà thầu đã được tư vấn chung bác bỏ vì không đủ căn cứ pháp lý.

Tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh (chiều ngày 6/6) do Ban Tuyên giáo phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP tổ chức, nhiều vấn đề như: xử lý chất thải rắn, thả chó chạy rông ngoài đường, thu phí hạ tầng cảng biển… được nhiều phóng viên báo đài quan tâm.

Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ vận hành thương mại trong năm 2024.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ vận hành thương mại trong năm 2024.

Ngoài những vấn đề trên, còn có vụ việc nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) khởi kiện MAUR với yêu cầu đòi MAUR bồi thường 23,72 tỷ yên (gần 4.000 tỷ đồng) đối với các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1).

Theo MAUR, các hợp đồng triển khai thi công thực hiện Dự án xây dựng tuyến Metro số 1 là các hợp đồng áp dụng mẫu của hợp đồng FIDIC (Hiệp hội tư vấn kỹ sư quốc tế).

Kiều bào về nước vào trước Tết  Nguyên đán Giáp Thìn 2024 dự chương trình "Xuân quê hương" do Bộ Ngoại giao tổ chức, được đi thử nghiệm trên tuyến Metro số 1.
Kiều bào về nước vào trước Tết  Nguyên đán Giáp Thìn 2024 dự chương trình "Xuân quê hương" do Bộ Ngoại giao tổ chức, được đi thử nghiệm trên tuyến Metro số 1.
Theo các quy định hợp đồng, nhà thầu tự cho rằng mình có quyền đòi hỏi các chi phí trong trường hợp: nhà thầu nhận thấy trong quá trình thi công có những điểm khác biệt so với thông tin khảo sát ban đầu; hoặc nhà thầu cho rằng kế hoạch thực hiện hợp đồng của họ bị thay đổi so với kế hoạch ban đầu gây bất lợi cho họ thì nhà thầu sẽ gửi khiếu nại đến chủ đầu tư yêu cầu chi phí.

Việc khiếu nại trong các dự án áp dụng mẫu của hợp đồng FIDIC là rất phổ biến trên thế giới và việc xử lý các khiếu nại luôn được quy định rõ trong các hợp đồng.

Đối với dự án xây dựng tuyến Metro số 1, thì việc khiếu nại xảy ra ở tất cả các gói thầu của dự án trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án từ trước đến nay. Theo trình tự được quy định trong hợp đồng, tư vấn chung (với vai trò đại diện chủ đầu tư và kỹ sư) sẽ đánh giá các khiếu nại của nhà thầu về tính hợp lý và chi phí.

Cũng theo MAUR, hiện nay đa phần các khiếu nại của nhà thầu đã được tư vấn chung bác bỏ do không có đủ căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp không hài lòng, theo hợp đồng, nhà thầu có quyền đề nghị thành lập ban xử lý tranh chấp hoặc đề nghị trọng tài thương mại xem xét theo đúng các điều khoản đã ký trong hợp đồng cho các nội dung khiếu nại.

Trong suốt quá trình thực hiện dự án từ trước đến nay, đối với các khiếu nại và phát sinh hợp lý, sau khi tư vấn chung đánh giá, chủ đầu tư đã tiến hành giải quyết thanh toán cho các nhà thầu. Đối với những khiếu nại mà nội dung chưa thống nhất được, các bên vẫn đang giải quyết theo quy định hợp đồng thông qua Trung tâm trọng tài để xem xét. Gần đây, MAUR và nhà thầu đang bàn bạc thêm một giải pháp giải quyết thông qua Ban xử lý tranh chấp (DAB).

Clip: Đoàn kiều bào về nước được đi thử nghiệm trên tuyến Metro số 1 vào dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Liên quan đến quá trình xử lý tại Trung tâm trọng tài, đây là các nội dung đang triển khai và thông tin ở dạng Mật nên MAUR không thể cung cấp thông tin chi tiết, tuy nhiên toàn bộ quá trình thực hiện và tiến độ đều được MAUR báo cáo đầy đủ đến cấp có thẩm quyền để theo dõi, chỉ đạo.

Cũng theo văn bản của MAUR, việc gửi các khiếu nại đến chủ đầu tư là quyền của nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án theo hợp đồng quốc tế FIDIC đã ký kết. Việc giải quyết các khiếu nại luôn diễn ra song song với quá trình triển khai thực hiện dự án, do đó công tác thi công dự án vẫn được thực hiện theo tiến độ thống nhất với phía các nhà thầu và tư vấn của Nhật Bản.

Trong Công hàm ngày 2/5/2024 của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam gửi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có nêu quan điểm của chính phủ Nhật Bản, JICA và các nhà thầu là sẽ hoàn thành công tác thi công dự án trong năm 2024. Cụ thể: “Phía Nhật Bản tin rằng có thể bắt đầu việc vận hành thương mại của tuyến Metro trước khi kết thúc năm, như chúng tôi nhắm tới, tức là chúng tôi sẽ hoàn thành công tác ITC (thử nghiệm liên động) vào cuối tháng 7, thực hiện công tác đào tạo vào tháng 8 và tháng 9, tổ chức chạy thử tàu trong tháng 10 và tháng 11, và nhận chứng nhận an toàn mà không bị chậm trễ”.

 

Giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài thông qua VIAC

Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC) được thành lập vào ngày 28/04/1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964), hoạt động theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Đây cũng chính là Trung tâm trọng tài được quy định trong các hợp đồng của Dự án xây dựng tuyến Metro số 1, để giải quyết các vấn đề không thống nhất giữa các bên tham gia hợp đồng.