Chủ trì hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng nhóm 6 - Trưởng đoàn công tác; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Cùng dự có GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng đoàn cùng các thành viên Đoàn công tác...
Buổi làm việc tập trung 2 nội dung chính, gồm: Đánh giá tổng quát các vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới; dự báo tình hình mới, đề xuất và kiến nghị quan điểm, định hướng, nội dung, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Báo cáo đánh giá tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới cùng những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới tại TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, TP Hồ Chí Minh đã khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Về phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh sẽ hướng đến nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp xanh, năng lượng xanh, gắn với liên kết vùng. Phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các địa phương vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch các khu vực sản xuất công nghiệp gắn với các hành lang kinh tế đã được xác định tại Nghị quyết 81/2013/0H15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, công nghiệp xanh” - ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, bao gồm trung tâm tài chính quốc tế, thương mại, logistics, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo.
Về văn hóa - xã hội, TP Hồ Chí Minh tập trung đầu tư chỉnh trang không gian, công trình văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Bảo đảm số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; chủ động ứng phó hiệu quả các loại dịch bệnh.
Đặc biệt, chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; huy động, bổ sung nguồn vốn thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động, cải tạo chung cư cũ. Đẩy mạnh đầu tư chính trang đô thị, giảm ngập nước, bảo vệ môi trường và tăng diện tích mảng xanh đô thị.
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tích cực đấu tranh phòng, chống, kéo giảm các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma túy, đường phố, sử dụng công nghệ cao; thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ.
Triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại, góp phần giữ môi trường hòa bình, ổn định của đất nước; thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm; kết hợp hiệu quả nguồn lực bên ngoài, nguồn lực kiều bảo với nguồn lực bên trong, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP và cả nước.
Về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị, TP Hồ Chí Minh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, chú trọng giải pháp tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa theo phương châm “lấy xây làm chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”...
Từ những báo cáo nêu trên, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải kiến nghị, Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thành những quy định pháp luật cụ thể tổ chức thực hiện, đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức...
Mục tiêu đến năm 2030: TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2045: TP Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.