TP Hồ Chí Minh: Phấn đấu 12% dân số đạt trình độ Đại học vào năm 2025

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh có 12% dân số đạt trình độ Đại học, và đạt 15% đến năm 2030. Đây là một trong nhiều nội dung nằm trong chiến lược phát triển giáo dục TP từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Phát triển giáo dục để gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 192/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục (viết tắt - Chiến lược) từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nguồn nhân lực phát triển nhanh về quy mô, số lượng đào tạo năm sau cao hơn năm trước; loại hình đào tạo đa dạng, cơ sở vật chất (CSVC) được quan tâm đầu tư.

TP Hồ Chí Minh: Phấn đấu 12% dân số đạt trình độ Đại học vào năm 2025 - Ảnh 1

TP Hồ Chí Minh hiện có 57 cơ sở giáo dục theo mô hình "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế", trong đó có 17 trường TH. Trong ảnh là học sinh trường TH Nguyễn Huệ (quận 6). Ảnh: Tân Tiến. 

Trước đó, vào năm 2003, TP có quyết định 02/2003/QĐ-UB ngày 3/1/2003 về quy hoạch phát triển mạng lưới trường học đến năm 2020. Tính đến hết năm 2020, số học sinh tăng 1,6 lần và số phòng học tăng 1,81 lần so với năm 2003.

Tuy nhiên, đến nay diện tích đất giáo dục tại nhiều quận, huyện chỉ đạt 57,48% so với quy hoạch được duyệt; việc xây mới trường lớp và tăng số phòng học đạt thấp, diện tích đất/học sinh chưa đạt theo quyết định 02/2003/QĐ-UB.

80% học sinh THPT thông thạo ngoại ngữ vào năm 2030

Các chương trình, đề án đột phá của ngành GD&ĐT huy động được nguồn lực xã hội, đạt hiệu quả cao như: chương trình kích cầu CSVC xây trường học; chương trình “Dạy và học toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại TP Hồ Chí Minh…

Đến nay, TP có 269 trường đạt chuẩn quốc gia, 319 trung tâm học tập cộng đồng. Chiến lược của TP cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường TH, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đáp ứng điều kiện CSVC, trường lớp đạt chuẩn quốc gia.

Mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”; 100% trường học trên địa bàn phấn đấu xây dựng mô hình trường học thông minh.

Đảm bảo sĩ số ở các bậc học từ 30-35 học sinh/lớp. Đạt 100% trường TH, 70% trường THCS dạy và học 2 buổi/ngày, đối với trường THPT từ 80% trở lên. Đạt 80% học sinh THPT thông thạo giao tiếp, học tập bằng ngoại ngữ; 100% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản; 100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật, nhạc cụ và luyện tập ít nhất 1 môn thể thao.

Đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế trí thức

Đạt 100% người học được tiếp cận không gian học tập hiện đại trên nền tảng số; 100% CSGD thực hiện giải pháp công nghệ trong hoạt động dạy - học và quản lý nhà trường;

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật, nhạc cụ và luyện tập ít nhất 1 môn thể thao. Ảnh: Tân Tiến.
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật, nhạc cụ và luyện tập ít nhất 1 môn thể thao. Ảnh: Tân Tiến.

Đối với mục tiêu của giáo dục Đại học phấn đấu đạt 12% dân số có trình độ đại học trở lên đến năm 2025, và đạt 15% vào năm 2030; phấn đấu 70% các trường Đại học trên địa bàn có triển khai Đại học số và xây dựng học liệu số đến năm 2025 và đến năm 2030 đạt 90%.

Đạt 100% CSGD Đại học (đủ điều kiện) đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó 10% đạt tiêu chuẩn kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài uy tín; 45% chương trình đào tạo (đủ điều kiện) đạt tiêu chuẩn kiểm tra trong nước hoặc nước ngoài.

TP Hồ Chí Minh phấn đấu đạt 12% dân số có trình độ đại học trở lên đến năm 2025, và đạt 15% vào năm 2030. Ảnh: Hoàng Văn (minh họa).
TP Hồ Chí Minh phấn đấu đạt 12% dân số có trình độ đại học trở lên đến năm 2025, và đạt 15% vào năm 2030. Ảnh: Hoàng Văn (minh họa).

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ CSGD đại học, số sinh viên đại học ngoài công lập đạt 30% (cơ sở) và 22,5% (sinh viên); đến năm 2030 là 35% (cơ sở) và 25% (sinh viên). Ưu tiên đầu tư đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 chuyên ngành trọng điểm.

Giai đoạn 2025-2030, tiếp tục đổi mới ở tất cả các cấp học; chú trọng đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế trí thức; thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành mũi nhọn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển bền vững của TP.

 

Tầm nhìn đến năm 2045

Xây dựng ngành GD&ĐT văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, tiếp thu văn minh của thế giới; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến học tập, sinh sống và làm việc, góp phần xây dựng TP phồn vinh. Phát triển GD&ĐT thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.