Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Phụ huynh đồng ý mới tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) tổ chức họp báo thông tin về tình hình Covid-19 và đời sống trên địa bàn.

Các đầu mối nhập khẩu xăng bảo đảm đủ nguồn cung

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu. Theo đó, trong 7 ngày qua nổi bật là việc điều chỉnh giá xăng trong nước theo giá thế giới. Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở đã có văn bản gửi 15 đầu mối nhập khẩu xăng dầu của tư nhân để yêu cầu báo cáo tình hình nhập khẩu trong những tháng tới. Đến nay mới có 4 doanh nghiệp (DN) gửi báo cáo, ngày mai (15/2) các DN còn lại mới gửi.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, cho biết khi phát hiện cửa hàng nào xăng dầu vi phạm sẽ xử nghiêm để răn đe.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, cho biết khi phát hiện cửa hàng nào xăng dầu vi phạm sẽ xử nghiêm để răn đe.

Qua theo dõi, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhận thấy có một số khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu nên Sở đã có văn bản gửi gấp cho DN yêu cầu báo cáo lập tức. Nếu họ khó khăn, bị gián đoạn nguồn cung thì báo cáo, nếu không báo cáo đến khi kiểm tra, phát hiện sẽ bị xử phạt. Hiện tại Thanh tra Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Cục Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, giám sát. Thanh tra Sở cũng lập 2 đoàn kiểm tra các DN đầu mối liên quan đến các thủ tục và việc nhập khẩu; Kiểm tra 6 cửa hàng, trong đó có 1 cửa hàng đóng cửa vì không có xăng để bán, các cửa hàng còn lại hết xăng RON 95, chỉ còn dầu. Khi kiểm tra, các cửa hàng đều trình phiếu xuất kho, nhưng hàng chưa về. Hiện Cục QLTT vẫn đang theo dõi và Sở đã làm việc với các đơn vị cung cấp xăng dầu. Sở cũng đã chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, nếu thấy cửa hàng nào bất thường phải báo ngay để xử lý kịp thời. TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ điều chỉnh giá linh động hơn, thay vì 1 tháng điều chỉnh 3 kỳ thì cần linh động điều chỉnh để kịp thời.  

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết khi phát hiện cửa hàng nào xăng dầu nào vi phạm, người dân hãy thông tin cho QLTT hoặc Sở Công Thương để có hướng xử lý vi phạm nhằm răn đe, từ đó bình thường việc phân phối xăng dầu đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nay, Cục QLTT đang tập trung vào việc giám sát hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn, đồng thời xử nghiêm đối với hành vi vi phạm. Hệ thống xăng dầu có tính liên kết rất cao, nếu một điểm ngừng bán sẽ kéo theo hàng loạt cửa hàng ngừng. Hiện mọi biến động xảy ra, Cục QLTT đều nắm để kịp thời xử lý, không để xảy ra hiệu ứng lan tỏa xấu đối với thị trường.  

Gần 1 triệu người chưa nhận được gói hỗ trợ đợt 3

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh thông tin về gói hỗ trợ đợt 3 của thành phố dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đợt bùng lần thứ tư năm 2021. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, đến thời điểm hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 3 quận, huyện (Bình Tân, Bình Chánh và Củ Chi) chưa chi trả hết số tiền gói đợt 3 cho 924.098 người. Nguyên nhân là do những địa phường này có số dân nhập cư rất đông, biến động dân cư nhiều. Hiện Sở đã yêu cầu các địa phương này khẩn trương rà soát, thống kê lại số người chưa được nhận tiền hỗ trợ để tiếp tục chi trả.

Về việc trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường học trực tiếp vào ngày 14/2, ông Trịnh Duy Trọng, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết tất cả cơ sở giáo dục đều đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi trẻ đến trường. Theo thống kê trong sáng 14/2, khối mầm non có 151.325/228.262 trẻ (đạt 66,33%) tới trường. Công tác đón trẻ, tầm soát sức khỏe của trẻ được tất cả các trường thực hiện rất tốt. Ở khối tiểu học có 670.366/698.366 học sinh, khối lớp 6 có 89.818/94.913 học sinh (đạt 94%) đến trường. Nhiều nơi đã tổ chức học buổi 2 và tổ chức bán trú nhằm đáp ứng nhu cầu học sinh và phụ huynh.

“Trong ngày đầu tiên trẻ mầm non và học sinh tiểu học cùng khối lớp 6 đến trường học trực tiếp, Sở GD&ĐT ghi nhận khối mầm non có 1 ca F0, khối tiểu học có 1 ca F0, lớp 6 có 1 ca F0, tất cả đã được xử lý. Dự báo trong tuần này và tuần tiếp theo sẽ có diễn biến phức tạp, có thể phát sinh thêm ca dương tính trong vài ngày tới, vì nhiều em học sinh ở tỉnh về hoặc đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết. Do đó từ trưa 14/2, Sở đã ban hành văn bản gửi các cơ sở giáo dục tổ chức, tăng cường phòng, chống dịch tại đơn vị, như: Theo dõi kỹ trường hợp ra vào thành phố Hồ Chí Minh, xét nghiệm tầm soát những trường hợp cần thiết, phối hợp y tế địa phương xử lý kịp thời các ca F0 và F1.

Phụ huynh không đồng ý thì không tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết đến nay thành phố có tổng cộng 125 ca Covid-19 biến chủng Omicron (10 ca trong cộng đồng, 115 ca từ nước ngoài về).

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc  HCDC cho biết không bắt buộc nếu gia đình trẻ không đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc  HCDC cho biết không bắt buộc nếu gia đình trẻ không đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ.

Theo ông Tâm, tới đây Việt Nam sẽ mở nhiều đường bay quốc tế. Do đó người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Sau khi nhập cảnh, phải khai báo trên phần mềm Covid-19, rồi mới được về nhà nếu đã tiêm đủ mũi vaccine theo quy định (2 mũi vaccine các loại, hoặc 1 mũi Johnson and Johnson, hoặc vừa khỏi Covid-19). Ngoài ra, người nhập ảnh còn phải tự theo dõi trong vòng 3 ngày tại nhà, không được tiếp xúc với ai, không được ra khỏi nhà, đến ngày thứ 3 y tế địa phương sẽ đến nhà kiểm tra.

“Nếu tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng Covid-19, buộc phải cách ly tại nhà 7 ngày. Tuy nhiên y tế địa phương phải tiếp cận xem nhà của họ có đủ điều kiện cách ly hay không? Nếu không đủ điều kiện, thì tự cách ly tại khách sạn (loại khách sạn được ngành y tế cấp phép) hoặc cách ly tập trung. Đối tượng này sẽ được lấy mẫu vào ngày thứ 3, ngày thứ 7, đến ngày thứ 14 nếu âm tính thì chấm dứt thời gian cách ly. Nếu dương tính với SARS-CoV-2, sẽ chuyển Bệnh viện Dã chiến số 12, nếu chuyển nặng thì qua điều trị ở bệnh viện 3 tầng, triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại những Bệnh viện tư nhân được Sở Y tế cấp phép”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

Đối với vấn đề tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Nhưng Sở Y tế đã có văn bản tham mưu cho UBND thành phố Hồ Chí Minh để khi có hướng dẫn của Bộ Y tế thì thực hiện ngay.

Về ý kiến của các chuyên gia dịch tễ khẳng định Covid-19 không nguy hiểm đối với trẻ em như bệnh sốt xuất huyết? Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng hiện còn rất sớm để nói, nhưng Covid-19 tác động nhẹ đến trẻ con, nếu trẻ mắc Covid-19 cũng không chuyển biến nặng như người lớn tuổi. Tuy nhiên vẫn cần cảnh giác đối với những trẻ bị béo phì, suy dinh dưỡng, có bệnh nền vì hệ miễn dịch ở những trẻ này kém.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Tâm, số trẻ từ 5-11 tuổi hiện sinh sống trên địa bàn có khoảng 970.000 trẻ, trong đó có 950.000 trẻ đang đi học (số này do Sở GD&ĐT thống kê), còn khoảng 20.000 trẻ chưa đi học (số này do Sở LĐ-TB&XH thống kê). Nếu tiêm vaccine, dự kiến khoảng cách mũi 1 trong vòng 30 ngày.

“Trường hợp gia đình trẻ không đồng ý cho con mình tiêm vaccine thì không bắt buộc. Trẻ vẫn đi học bình thường, chúng ta không có quyền gì để không cho trẻ đi học, nhưng địa phương và trường nên vận động cha mẹ trẻ cho con mình tiêm vaccine”, ông Tâm nói.

 

Theo công bố trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, tính đến 18 giờ ngày 13/2, tại TP Hồ Chí Minh có 516.801 ca Covid-19 (gồm 515.892 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 909 trường hợp nhập cảnh). Đang điều trị 739 bệnh nhân, trong đó có 38 trẻ em dưới 16 tuổi, 72 bệnh nhân nặng đang thở máy, 12 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 13/2, có 90 bệnh nhân nhập viện, 86 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 317.800), có 1 trường hợp tử vong trong ngày.