Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Quy hoạch chống ngập lỗi thời, người dân còn “bơi” đến bao giờ?

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch chống ngập của TP Hồ Chí Minh đã quá lỗi thời, mỗi khi triều cường dâng cao nhiều tuyến đường trên địa bàn TP lại bị ngập sâu, ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Để khắc phục, mới đây UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể quy hoạch thủy lợi chống ngập úng trên địa bàn TP.

 Hàng chục ngàn tỷ đồng với hàng loạt dự án, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn ngập
Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP được duyệt trước đây đã không còn phù hợp với thực tế, tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng và quy hoạch phát triển chung của TP.
Trong 3 năm gần đây, TP đã xuất hiện 21 đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp III (1,5 m). Ngoài ra, trong năm 2018, do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra mưa lớn, lượng mưa đo được tại trạm Tân Sơn Hòa (gần sân bay Tân Sơn Nhất) là 401 mm làm ngập khoảng 102 tuyến đường, chiều sâu ngập 10 cm đến 70 cm.
Do đó, TP Hồ Chí Minh kiến nghị đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình kết nối với quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước nhằm khép kín toàn bộ hệ thống, phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho TP trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện tại và trong tương lai.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều cường cuối tháng 10/2019 (đầu tháng 10 Âm lịch) tại TP sẽ đạt đỉnh vào lúc 17h ngày 29/10, đỉnh triều đạt mức 1,7m (cao hơn báo động 3 là 0,2m), sau đó sẽ xuống dần vào các ngày kế tiếp.
Trước đó, để chủ động ứng phó với đợt triều cường cuối tháng 10/2019, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đã có công văn khẩn đề nghị các sở, ngành, đơn vị, đặc biệt là UBND các quận, huyện (quận 7, quận 8, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn) chủ động, sẵn sàng các biện pháp để hạn chế những thiệt hại do triều cường gây ra, đặc biệt việc đảm bảo an toàn cho người dân.
Thực tế, trải qua hơn chục năm tìm đủ phương án, đổ vài chục ngàn tỷ đồng vào hàng loạt dự án nhưng tình trạng ngập lụt tại TP không giảm mà ngày càng nghiêm trọng.
Nhận định về quy hoạch chống ngập tại TP, TS.Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh phân tích, do thông tin cao độ nền đã có sự thay đổi, TP đang bị lún và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì vậy phải tìm cách để nâng cao cốt nền hoặc đắp đê mới có thể hy vọng giải quyết được bài toán chống ngập.
Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành xây dựng, chống ngập, ông Nguyễn Trọng Văn - Kỹ sư xây dựng tại TP Hồ Chí Minh nhận định, hầu hết hệ thống cống thoát nước của TP được đầu tư từ thời Pháp, chỉ đáp ứng cho dân số khoảng 2 triệu người nhưng hiện nay, dân TP đã tăng lên gấp 5 lần.
Cũng theo ông Văn, trong quá trình xây dựng, một số tuyến đường chính đã được nâng cao theo đúng cao trình quy hoạch (+2 m). Dù vậy, đa số nhà dân không có đủ điều kiện để nâng cao cốt nền nhà cho đồng bộ với việc nâng cấp đường, dẫn đến nền nhà thấp hơn đường.
Công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu. Do đó, thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư cũng đã trở nên quá tải.
Hiện, cao độ nền ngày càng thấp đi do ảnh hưởng lún mặt đất, kết hợp với mức thủy triều ngày càng dâng cao (triều cường đạt đỉnh 1,7 m) do biến đổi của khí hậu.
“Do đó, để chống ngập cho TP, đòi hỏi tiêu chuẩn thoát nước và chống ngập phải tính đến ảnh hưởng đồng thời của sự hạ thấp mặt đất và sự dâng cao của  mực nước biển. Quy hoạch thoát nước cần xác định chính xác hiện trạng cao độ nền, vùng ngập liên quan triều cường, để có giải pháp phòng chống hiệu quả”, ông Văn nói.