Cụ thể, tại cuộc họp Bí thư nhắc lại thông báo của Thủ tướng Chính phủ, ông Nhân nhấn mạnh bệnh viện này có hàng nghìn người ra vào mỗi ngày, nguy cơ phải truy tìm và tìm cách ngăn chặn 30.000 người.
"Đây là bài học cho tất cả bệnh viện và bác sĩ với người phục vụ bên ngoài, với người mang cơm, làm vệ sinh thì chính họ có thể là người mang nguồn lây", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo các bệnh viện đảm bảo không có người đi lại tự do từ khoa này sang khoa khác. Lãnh đạo Thành ủy khẳng định trách nhiệm của thành phố là rà soát để bệnh viện không thành nơi phát sinh nguy cơ lây nhiễm.
Đồng thời, ông Nhân yêu cầu từ tuần này phải đảm bảo thời gian nghỉ cho các bác sĩ để giữ sức khỏe trong khi thành phố chỉ đang phải chăm sóc mấy chục ca nhiễm. Ông đề nghị các bệnh viện chọn bác sĩ không phải chuyên gia lây nhiễm, bồi dưỡng thêm để khi cần có thể điều động giúp các bác sĩ chuyên khoa lây nhiễm có thời gian nghỉ.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Y tế làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy - có quy mô 6.000 người như Bệnh viện Bạch Mai, để có biện pháp hỗ trợ, tránh xuất hiện ổ dịch.
Ông Phong cho biết, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã có kế hoạch kiểm soát cụ thể những trường hợp thăm bệnh, nhân viên đổ rác, vệ sinh... "Giám đốc Sở Y tế mời lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đến để bàn bạc cụ thể, tính toán kế hoạch với các bệnh viện lớn khác trên địa bàn, không để xảy ra sự việc như ở Bệnh viện Bạch Mai", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng giao Phó chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm làm việc với các đơn vị liên quan, kiểm tra tất cả công ty cung cấp thức ăn cho bệnh viện, tính toán việc hạn chế người nhà đến thăm bệnh.
Trước đó, báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết thành phố ghi nhận 49 ca nhiễm Covid-18 (7 ca đã bình phục xuất viện), còn 4 ca đang chờ Bộ Y tế công bố. Trong đó, 2 trường hợp là chồng và tài xế của bệnh nhân 151 - có mặt ở bar Buddha & Grill, còn lại là 2 người Việt Nam từ nước ngoài về, được cách ly từ trước.
Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cũng đề nghị thành phố kiểm soát các chốt ra vào thành phố, các bến xe liên tỉnh, sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn để có phương án theo dõi sức khoẻ tại nhà với những người từ địa phương khác.
Tại buổi họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngay sau đó, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đã báo cáo với chỉ đạo về việc lên phương án đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Ông Bỉnh nhận định việc quan trọng là quản lý nhân viên y tế và thân nhân.
Cụ thể, Sở yêu cầu các nhân viên phải ở lại đơn vị, không được về nhà. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ 1 tuần, nhân viên y tế được cách ly riêng, nghỉ ngơi 2 tuần trước khi về nhà. Đặc biệt, Sở Y tế đề nghị bệnh viện quản lý chặt nhân viên phục vụ các khâu như căng tin, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, vệ sinh công nghiệp.
Cũng tại cuộc họp, ông Bỉnh cho biết Sở Y tế đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND quận, huyện rà soát người đến TP trong 14 ngày qua, bao gồm cả người đến từ các tỉnh thành khác trong nước, đặc biệt là Hà Nội. Những người này cũng cần làm tờ khai y tế hoặc được điều tra dịch tễ để đảm bảo hạn chế nguy cơ mang dịch bệnh từ bên ngoài vào thành phố.
Một tình huống khác Sở Y tế cũng yêu cầu các quận, huyện tính đến. Đó là theo quy định của Chính phủ, người trên 60 tuổi không ra khỏi nhà, tuy nhiên, những hộ dân mà nhà không có người dưới 60 tuổi, hoặc người già neo đơn, địa phương cũng cần có phương án hỗ trợ họ mua sắm trong thời gian tự cách ly. Nếu phải tự mua sắm, đề nghị các cơ sở có cơ chế ưu tiên những trường hợp này.