Chiều 5/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của TP.
Tại buổi họp, bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC cung cấp thông tin về các loại vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Theo đó, vào ngày 25/11/2022, HCDC nhận được 10.000 liều vaccine sởi và hơn 5.000 liều vaccine bạch hầu – uốn ván – ho gà. Sau khi nhận được số lượng vaccine nêu trên, ngành y tế đã phân bổ đến các cơ sở tiêm chủng, toàn bộ số vaccine này đã sử dụng hết từ giữa tháng 12/2022.
“Mới đây, chúng tôi đã nhận được thông báo về kế hoạch cấp vaccine từ chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia với các loại vaccine ngừa lao, bạch hầu – uốn ván – ho gà, bại liệt, vaccine sởi, vaccine sởi – rubela và vaccine viêm não Nhật Bản. Số lượng đã được thông báo nhưng ngày chính thức tiếp nhận thì chưa có”, bác sĩ Lê Hồng Nga nói.
Cũng theo bác sĩ Nga, về tỷ lệ tiêm chủng nhóm trẻ dưới 1 tuổi (sinh năm 2021) tại TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ tiêm chủng là 86,3% (tính đến hết tháng 11/2022), thiếu 8,7% so với chỉ tiêu cần đạt được (95%). Trong điều kiện thiếu vaccine, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện vận động, truyền thông, tổ chức công tác tiêm chủng để đạt được mục tiêu bao phủ tốt nhất có thể về tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ.
“Chúng tôi hy vọng số lượng 158.000 liều vaccine được cấp sắp tới sẽ giúp TP sớm bao phủ đạt tỷ lệ đề ra. Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã có thông báo về số lượng vaccine TP Hồ Chí Minh sẽ nhận trong thời gian tới, cụ thể gồm: 35.000 liều vaccine ngừa lao (BCG), 33.000 liều vaccine sởi, 30.000 liều vaccine sởi - rubella, 15.000 liều vaccine viêm não Nhật Bản, 20.000 liều vaccine viêm gan B, và 25.000 liều vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT)”, bác sĩ Lê Hồng Nga nói.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, tại buổi họp báo, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ thông báo kết quả giải trình tự gene từ Tổ chức OUCRU (đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford) phát hiện 3 ca có biến thể XBB từ người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, thông qua 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa phát hiện biến thể XBB.1.5. Còn theo báo cáo của HCDC, số ca mắc mới trong khoảng thời gian trung tuần tháng 11/2022 đến nay là 208 trường hợp/tuần, thấp hơn thời gian trước đó (trung bình mỗi tuần có 301 ca mắc mới). Bên cạnh đó, số ca nặng điều trị tại các bệnh viện cũng có dấu hiệu giảm nhẹ, hiện còn 7 trường hợp nặng (do bệnh nền đi kèm) đang thở máy, trong đó có 4 trường hợp do bệnh viện tỉnh chuyển đến.
Cũng theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại châu Á, biến thể này đã xuất hiện tại Singapore, Ấn Độ…; biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên thế giới (Mỹ, Hàn Quốc, các nước châu Âu…).
“Tại Việt Nam, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết nên sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là tiêm vaccine phòng Covid-19, vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong đối với các biến thể của Omicron (theo Tổ chức Y tế Thế giới). Hiện nay, Sở Y tế vẫn tổ chức nhiều điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các điểm tiêm cố định trong cộng đồng, tại các bệnh viện và đã có kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 xuyên Tết Quý Mão 2023”, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết.