TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đây là khẳng định của Sở Giao thông vận tải (GTVT) tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh diễn ra vào chiều 30/11.

Theo văn bản của Sở GTVT gửi đến buổi họp báo nhằm thông tin về hoạt động vận tải trên địa bàn TP, từ đầu năm đến nay vận tải hành khách (VTHK) công cộng bằng xe buýt đã được 80.163.319 lượt hành khách, tương đương 242.919 hành khách/ngày, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay TP Hồ Chí Minh có 4.519 điểm dừng xe buýt, trong đó có 3.091 trụ dừng và 710 nhà chờ được lắp đặt trên vỉa hè phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ VTHK công cộng bằng xe buýt, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (đơn vị thuộc Sở GTVT) thường xuyên triển khai công tác kiểm tra các điểm dừng xe buýt hàng ngày và công tác vệ sinh điểm dừng xe buýt hàng tháng nhằm phát hiện kịp thời trình trạng chiếm dụng điểm dừng xe buýt làm nơi buôn bán, để vật dụng sinh hoạt, tập kết rác…

TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch trong thời gian tới. Ảnh: Sở GTVT TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch trong thời gian tới. Ảnh: Sở GTVT TP Hồ Chí Minh.

Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng xây dựng kế hoạch triển khai đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch theo “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành GTVT; triển khai các tuyến xe buýt nhỏ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1, các tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối với các tỉnh liền kề với TP theo danh mục được Sở GTVT công bố.

Cũng theo văn bản của Sở GTVT, về thực trạng dịch vụ xe chở khách ghép, tiện chuyến trên địa bàn, Sở đã tham mưu UBND TP bằng công văn 4766/UBND-ĐT ngày 25/9/2023 về tăng cường bảo đảm trật tự hoạt động VTHK và vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn. Trong đó, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo và giao trách nhiệm rõ cho từng cơ quan.

Cụ thể, giao Công an TP chỉ đạo Phòng CSGT, Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến tình trạng “xe dù, bến cóc”, chở quá số người quy định, xe quá tải, điều khiển phương tiện vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn, tăng giá vé trái quy định, dừng, đỗ trái phép, chiếm dụng lòng đường và vỉa hè gây mất trật tự an toàn giao thông…

Đối với Sở GTVT, trong 11 tháng của năm 2023, Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện và lập biên bản 2.719 trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải với số tiền xử phạt hơn 4,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND TP cũng giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý; kiên quyết xử lý dứt điểm các bãi trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm có tổ chức đón trả khách không đúng quy định, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được ổn định.

Sở GTVT cũng đã báo cáo, kiến nghị Bộ GTVT xem xét để trình cấp thẩm quyền điều chỉnh các quy định liên quan đến việc xác định hành vi đón, trả khách lặp đi lặp lại hàng ngày; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp 30% trong 1 tháng được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Tuy nhiên hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý) chưa được nâng cấp để truy xuất dữ liệu, một số trường hợp chưa có quy định chế tài xử lý hoặc có nhưng chưa đủ tính răn đe đối với đơn vị kinh doanh VTHK theo hợp đồng thường xuyên tổ chức hoạt động đón, trả khách sai quy định tương tự như xe tuyến cố định…, hoặc chưa có quy định thu hồi phù hiệu (biển hiệu) theo thời hạn (1 tháng) đối với xe ô tô VTHK theo hợp đồng đã được cấp phù hiệu thường xuyên vi phạm dừng đỗ xe sai quy định.

Do đó dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi phù hiệu, tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm liên quan đến tốc độ bị thu hồi phù hiệu thì được cấp lại vừa mất thời gian cho cơ quan quản lý vừa phát sinh chi phí in phôi phù hiệu. Các tồn tại vướng mắc nêu trên đã được Sở GTVT tham mưu UBND TP kiến nghị và đã được Bộ GTVT ghi nhận và giao nhiệm vụ cho Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện.