TP Hồ Chí Minh: Số vụ xâm hại trẻ em giảm

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầu hết nạn nhân bị xâm hại còn nhỏ tuổi, phần lớn bé gái (chiếm hơn 85%). Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa phần là người thân, quen với gia đình nạn nhân hoặc có mối quan hệ tình cảm nam nữ với nạn nhân (chiếm hơn 70%).

Nạn nhân bị xâm hại đa phần là bé gái

Sáng 17/5, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh đã có buổi khảo sát kết quả triển khai thực hiện Luật Trẻ em - Công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE) trên địa bàn TP đối với nhiều Sở, ngành.

Trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại hay xâm hại tình dục hãy gọi Tổng đài 111.
Trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại hay xâm hại tình dục hãy gọi Tổng đài 111.

Đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê quý I/2022 xảy ra 21 vụ, giảm 1 vụ, tương ứng 4,71%), trong đó có 80 vụ liên quan xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 59,25% số vụ (hiếp dâm người dưới 16 tuổi là 17 vụ, giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là 44 vụ, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi có 19 vụ).

Về độ tuổi nạn nhân còn nhỏ, phần lớn là trẻ em gái (chiếm hơn 85% nạn nhân bị xâm hại), đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa phần là người thân, quen với gia đình nạn nhân hoặc có mối quan hệ tình cảm nam nữ với nạn nhân (chiếm hơn 70%), độ tuổi của đối tượng tập trung vào nhóm từ 18 tuổi trở lên (chiếm 86,29%). Tuy nhiên, cũng phát sinh nhiều vụ do người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (chiếm 11,95%), người dưới 16 tuổi (chiếm 1,76%) thực hiện.

Các vụ XHTE không chỉ xảy ra ở khu vực vắng vẻ thuộc huyện ngoại thành hay khách sạn, nhà trọ, nơi lưu trú của người dân lao động phổ thông, mà còn xảy ra ở các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học.

“Quý I/2022, Công an TP ghi nhận 3 vụ hành hạ người khác, trong đó có vụ cháu Nguyễn Thái Vân An (SN 2013) bị dì ghẻ Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành dẫn đến tử vong, xảy ra ngày 22/12/2021 tại căn hộ 16.05 Topaz 2 Saigon Pearl, số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh gây bức xúc dư luận. Cơ quan CSĐT Công an TP đã kết luận điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội giết người và hành hạ người khác; Nguyễn Kim Trung Thái (cha ruột cháu An) về tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm” - đại diện Công an TP nêu.

Cũng theo Công an TP, các vụ xâm hại tình dục trẻ em đa phần do bị hại và đối tượng có mối quan hệ tình cảm nam nữ, yêu đương từ trước, thậm chí có bị hại bỏ nhà đi để sống chung với đối tượng, sau khi gia đình phát hiện mới trình báo công an. Nhiều vụ đối tượng XHTE là những người thân, quen sống chung trong gia đình, khi có sự việc xảy ra cha mẹ nạn nhân không trình báo, thậm chí còn che giấu, khai báo không đúng, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Công an TP cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh với hành vi bạo lực, XHTE. Cụ thể, về phía nạn nhân là trẻ em nhỏ tuổi, không nhận biết được sự việc xảy ra, không nhớ thời gian, địa điểm nên cung cấp chưa chính xác nội dung vụ việc. Nạn nhân bị ám ảnh tâm lý sau khi bị xâm hại tình dục, lời khai mâu thuẫn nhưng một số gia đình không cho Cơ quan CSĐT ghi lời khai đối với nạn nhân, hoặc đưa nạn nhân đi nơi khác sinh sống nên không thể liên lạc và làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả điều tra.

 

Số vụ xâm hại trẻ em từ năm 2021 đến quý I/2022

Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 88 vụ liên quan đến tội phạm XHTE trong tổng số 135 vụ việc liên quan đến hành vi bạo lực, XHTE. Bắt 91 đối tượng, xử lý hành chính 35 vụ, 38 đối tượng. Không khởi tố, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra 4 vụ (4 đối tượng), đang điều tra, xác minh xác minh 8 vụ (9 đối tượng).

Trong quý I/2022, tiếp nhận 21 vụ với 22 đối tượng, 24 trẻ em. Đã khởi tố xử lý hình sự 21 vụ với 22 đối tượng.

Ngoài ra, vấn đề xác định độ tuổi của bị hại và đối tượng trong một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em có ý nghĩa quyết định để xác định hành vi của đối tượng có cấu thành tội phạm hay không, và xác định tội danh. Tuy nhiên, một số trường hợp căn cứ để xác định độ tuổi (chứng sinh, khai sinh, CMND…) không rõ hoặc có mâu thuẫn thì cơ quan điều tra phải trưng cầu cơ quan giám định và có văn bản trả lời kết quả giám định độ tuổi, kéo dài thời gian dễ gây bức xúc cho gia đình nạn nhân.

Cần lắp camera tại các trường học để giám sát và răn đe

Về phía đối tượng gây án, một số trường hợp là họ hàng, người thân trong gia đình, người yêu của nạn nhân nên gia đình nạn nhân hoặc nạn nhân do mặc cảm, cả nể, che giấu cho người yêu và không tố giác. Khi làm việc với cơ quan điều tra lại cố tình khai không chính xác. Đồng thời, gia đình nạn nhân biết rõ nếu đi giám định pháp y (căn cứ quan trọng để khởi tố), có kết quả dẫn đến đối tượng gây án bị bắt giữ nên nhất định không đi giám định.

Cuối cùng về phía gia đình nạn nhân khi phát hiện vụ xâm hại, một số trường hợp không tố giác mà yêu cầu gia đình đối tượng hoặc đối tượng bồi thường hoặc thỏa thuận chờ đủ tuổi làm đám cưới, cho sinh con, phá thai hoặc tiếp tục sống chung... đến khi có mâu thuẫn phát sinh thì mới tố cáo dẫn đến đối tượng đã bỏ trốn, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ. Hầu hết các vụ án xâm hại đều không có nhân chứng, trong khi đó nếu phát hiện trễ, khi đưa nạn nhân giám định pháp y không thu được ADN, dấu vết bị xâm hại, đối tượng nghi vấn không thừa nhận hành vi hoặc có thừa nhận nhưng sau đó thay đổi lời khai.

Từ thực tế nêu trên, Công an TP đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất. Đơn cử kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tham mưu bổ sung quy định bắt buộc lắp camera giám sát tại các cơ sở giáo dục là các trường mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học (kể cả các trung tâm, các cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dạy trẻ thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội) trên địa bàn để góp phần răn đe các hành vi bạo lực, XHTE, cũng như là nguồn chứng cứ để công an điều tra, xử lý khi xảy ra việc xâm hại.

 

5 năm có 248 trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục

Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội, đến quý 1/2022 TP có 1.849.777 trẻ em (956.418 trẻ em trai, chiếm tỷ lệ 51,7% và 893.359 trẻ gái, chiếm tỷ lệ 48,3%). Trong đó, có 11.168 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 17.224 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng; 2.513 trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 60 cơ sở bảo trợ xã hội (754 trẻ em tại 8 cơ sở công lập và 1.759 trẻ em tại 52 cơ sở ngoài công lập).

Với tổng dân số ước tính khoảng 13 triệu người và 130.000 người di cư mới mỗi năm (trẻ em chiếm khoảng 14,23% dân số TP) là thách thức lớn nhất mà TP phải tập trung giải quyết là dân nhập cư, quá tải trường học, bệnh viện, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó có tội phạm về bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua là một trong những vấn đề TP ưu tiên tìm mọi giải pháp để ngăn ngừa tội phạm này.

Tính từ năm 2017 đến quý 1/2022, trên địa bàn xảy ra 186 vụ việc/248 trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục và bị các hình thức gây tổn hại khác (75 trẻ em trai, chiếm tỷ lệ 30,24% và 173 trẻ em gái chiếm tỷ lệ 69,76%. Trong đó 50 vụ việc/93 trẻ em bị bạo lực; 105 vụ việc/124 trẻ em bị xâm hại tình dục; 31 vụ việc/31 trẻ em bị các hình thức gây tổn hại khác.