TP Hồ Chí Minh: Sử dụng gần 800 camera giám sát giao thông hạn chế kẹt xe

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”, đầu năm 2019 Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông thông minh TP Hồ Chí Minh chính thức hoạt động, thông qua ứng dụng phần mềm giám sát này người dân có thể dễ dàng tránh đi vào những khu vực bị kẹt xe.

Tiện ích cho người dân khi tham gia giao thông
Hiện nay, mỗi lần di chuyển về trung tâm thành phố việc đầu tiên mà anh Nguyễn Khắc Mai (ngụ tại phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) là mở ứng dụng TTGT TP Hồ Chí Minh trên điện thoại thông minh để xem lộ trình thường di chuyển của mình có xảy ra tình trạng kẹt xe hay không, để từ  đó tìm lộ trình khác không bị kẹt xe để di chuyển dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Anh Mai cho biết thêm, từ khi sử dụng phần mềm giám sát giao thông trên điện thoại không chỉ kiểm tra lộ trình di chuyển có bị kẹt xe hay không mà còn có nhiều tiện ích khác như tra cứu giấy phép lưu thông, kiểm tra phạt nguội; phản ánh tình trạng ngập nước, hư hỏng đèn tín hiệu giao thông… cho cơ quan chức năng để nhanh chóng khắc phục, xử lý.
Theo thông tin từ Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện tại Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông thông minh đi vào hoạt động nhằm thực hiện 4 chức năng chính gồm: Giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ phối hợp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi thành phố.
 Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh giám sát hệ thống giao thông TPHCM qua hệ thống camera. Ảnh: Huy Chương
Ông Đoàn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết: Trong giai  đoạn 1 Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông thông minh đã được đưa vào hoạt động đã lắp đặt 762 camera giám sát giao thông với các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý địa phương, cộng với tích hợp giám sát giao thông trên hệ thống 63 màn hình có độ phân giải cao đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Còn chức năng điều khiển giao thông được vận hành nhờ sự kết nối với 216 tủ điều khiển tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính ở các quận trung tâm và 28 nút giao thông trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống. Trong khi, chức năng cung cấp thông tin giao thông được thực hiện thông qua 70 bảng thông tin giao thông điện tử đặt ở các tuyến đường và nút giao thông chính nhằm hỗ trợ người dân tham gia giao thông.
Đặc biệt, chức năng phối hợp, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được thực hiện thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, với 9 điểm kiểm soát tốc độ tự động và 6 điểm kiểm soát tải trọng phương tiện... Tất cả đều được ghi nhận và chia sẻ cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông để phối hợp xử lý các phương tiện vi phạm.
Hướng đến quản lý toàn diện hệ thống giao thông
Thống kê trên cổng thông tin giao thông điện tử giaothong.hochiminhcity.gov.vn của Sở GTVT tính đến thời điểm này, cổng thông tin có hơn 1,7 triệu lượt truy cập, tổng lượt tải ứng dụng cả nền tảng Android và iOS trên 150.000 lượt.
 Ứng dụng TTGT TPHCM trên điện thoại thông minh. Ảnh: Huy Chương
Bên cạnh đó, thời gian qua Sở GTVT cũng đã ứng dụng hàng loạt công nghệ vào điều khiển giao thông như hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng tại trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân), thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô trên địa bàn TP thông qua ứng dụng di động MyParking ở 23 tuyến đường, đẩy mạnh công nghệ trong công tác quản lý hệ thống chiếu sáng…
Để hoàn thiện đồng bộ dự án án giao thông thông minh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh: Trong giai đoạn 2, dự kiến triển khai sau năm 2020, thành phố sẽ thực hiện hoàn thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (ITS) với quy mô toàn TP, có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Khi đó, trung tâm này sẽ quản lý trực tiếp toàn bộ hệ thống điều khiển giao thông cũng như cung cấp thông tin dữ liệu, phục vụ cho việc xử lý các vi phạm; giám sát, bảo đảm an ninh trật tự đô thị; xử lý các sự cố khẩn cấp; phòng chống cháy nổ, ngập lụt; quản lý bến bãi... ITS giúp giảm đáng kể lực lượng chức năng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Cơ quan quản lý giao thông và Cảnh sát giao thông chỉ cần can thiệp trong những tình huống giao thông bất thường.
Sau khi giai đoạn 2 hoàn thiện, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh sau sẽ có 10 chức năng gồm: Giám sát giao thông; điều khiển giao thông; cung cấp thông tin giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng; tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử; quản lý nhu cầu giao thông; quản lý vận tải hàng hóa; chia sẻ thông tin theo yêu cầu và quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần