Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Sức cầu nhà phố, biệt thự thấp kỷ lục 

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo thị trường bất động sản mới nhất của DKRA Group cho thấy, sức tiêu thụ nhà phố, biệt thự tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 8 thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

Nguồn cung giảm sâu...

Dữ liệu nghiên cứu mới nhất của DKRA Group cho biết, ảnh hưởng tâm lý tháng 7 âm lịch và việc khó tiếp cận vốn vay do động thái tăng cường kiểm soát tín dụng là nguyên nhân chính khiến sức cầu giảm mạnh.

Số liệu tại TP Hồ Chí Minh. Nguồn: DKRA Group
Số liệu tại TP Hồ Chí Minh. Nguồn: DKRA Group

Đơn vị này ghi nhận, trong tháng 8, tỷ lệ tiêu thụ được ghi nhận mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, khi toàn TP Hồ Chí Minh chỉ bán được 4 căn trên tổng nguồn cung 66 căn, giảm 61% so với tháng trước, tương đương tháng 5 – 6. Nhiều dự án kéo dài thời gian triển khai bán hàng do tỷ lệ đặt cọc, giữ chỗ còn ở mức thấp, chưa đạt kỳ vọng.

DKRA Group lý giải nguyên nhân ảnh hưởng tâm lý tháng 7  âm lịch và việc khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do tăng cường kiểm soát tín dụng.

Cụ thể, báo cáo ghi nhận giá bán sơ cấp không biến động nhiều so với tháng trước. Các chính sách ưu đãi, chiết khấu vẫn được nhiều chủ đầu tư áp dụng để kích cầu thị trường. Thanh khoản thứ cấp kém sôi động và tiếp tục xu hướng đi ngang. Giao dịch thứ cấp hạn chế và tập trung chủ yếu ở những dự án đã bàn giao nhà. 

Dự kiến, trong những tháng cuối năm, nguồn cung và lượng tiêu thụ sẽ tăng nhưng không có nhiều đột biến và tập trung chủ yếu ở khu Đông TP Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, tình trạng này không chỉ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mà còn ở toàn vùng phụ cận như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Nguồn cung ghi nhận 350 căn, giảm 83% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở tỉnh Đồng Nai chiếm 51% tổng nguồn cung mới và chủ yếu đến từ giai đoạn tiếp theo của những dự án mở bán trước đó. Riêng Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới.

Theo DKRA Group, lượng tiêu thụ duy trì ở mức thấp, chỉ đạt 22%, trong đó, Đồng Nai chiếm tỷ trọng chủ yếu khoảng 77%.

Nhưng giá bán khó giảm trong ngắn hạn

Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng 7. Nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn được các chủ đầu tư tung ra trong tháng như cam kết cho thuê, cam kết nhận chuyển nhượng lại, gia hạn giải ngân… nhằm kích cầu. 

Tuy nhiên, ở thị trường thứ cấp kém sôi động, thanh khoản ở mức trung bình, mặt bằng giá không có nhiều biến động, cục bộ có hiện tượng giảm giá ở một số dự án và khách đầu tư bị ảnh hưởng dòng tiền.

Song với đó, các nhà đầu tư vẫn luôn cố gắng đưa ra những chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm kích cầu như: cam kết cho thuê, cam kết nhận chuyển nhượng lại, gia hạn giải ngân…

 Tại TP Hồ Chí Minh, nguồn cung và lượng tiêu thụ nhà phố, biệt thự giảm mạnh trong tháng 8/2022. Ảnh: Tiểu Thuý
 Tại TP Hồ Chí Minh, nguồn cung và lượng tiêu thụ nhà phố, biệt thự giảm mạnh trong tháng 8/2022. Ảnh: Tiểu Thuý

DKRA dự báo, trong những tháng cuối năm, nguồn cung và tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh sẽ tăng trưởng, nhưng không có tính đột biến và chủ yếu tập trung ở khu Đông.

Các chuyên gia cho cho rằng, hiện tại trên thị trường nhà đầu cơ đang giảm dần đi do những hạn chế tín dụng. Trong khi đó, các nhà đầu tư dài hạn và người mua cho thuê xuất lại hiện nhiều hơn.

Trước đó, thống kê của JLL cũng cho thấy tỷ lệ hấp thụ nhà liền thổ mới trong 6 tháng đầu năm nay ở TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 588 căn, giảm 50% so với quý trước.

Tương tự, theo ước tính của Batdongsan.com.vn, trong tháng 8/2022, thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh và vụng phụ cận có mức độ quan tâm giảm với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021. 

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, mặc dù sự quan tâm đến bất động sản có dấu hiệu “giảm nhiệt” so với cùng kỳ năm 2021 nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá bất động sản giảm. Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác. 

 

Nới room tín dụng chưa chắc là tin vui với bất động sản!

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá, động thái nới tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mới đây chưa hẳn là tin vui vì hạn mức tín dụng này chỉ là con số còn lại trong mức trần 14% của năm 2022 và việc này không phải diễn biến mới với thị trường bất động sản.

Theo đó, chính sách tín dụng là một công cụ rất hiệu quả để điều tiết nền kinh tế và thị trường bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay Nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách để phục hồi và tái phát triển nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Chủ tịch HoREA cũng nhắc lại đề xuất đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất (Big 4) và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2. Cơ cở cho đề xuất này, theo ông Châu, là Việt Nam có hoạt động tín dụng đang tốt. Mới đây, hãng đánh giá tín dụng Moody’s vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ tích cực sang ổn định.

Nói thêm về việc cho vay, ông Châu cho rằng ngoài nhóm doanh nghiệp được ưu tiên cho vay theo chính sách chiếm số ít trong nền kinh tế, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng ưu tiên nhưng họ là doanh nghiệp làm ăn bình thường. Vì vậy, cần được tạo điều kiện để tiếp cận tín dụng bình thường, trong đó còn các doanh nghiệp bất động sản.

“Tuy nhiên việc cho vay cũng có thứ tự “chọn mặt gửi vàng” của các ngân hàng thương mại. Đó là những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có dự án khả thi cao” - ông Châu nói.