Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở thẩm mỹ

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về một số mặt của đời sống trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, liên quan đến công tác quản lý dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, không phải tất cả cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” đều thuộc sự quản lý của ngành Y tế. Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” thành 3 nhóm khác nhau. Trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành Y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, không phải tất cả cơ sở làm đẹp đều do ngành Y tế quản lý.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, không phải tất cả cơ sở làm đẹp đều do ngành Y tế quản lý.

Cụ thể, nhóm 1 là các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, gồm: Cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng... Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Nhóm 2, là các Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Đây là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp). Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại khoản 5, phần bổ sung điều 23a Nghị định 109/2016, trong Nghị định 155/2018/NĐ-CP) gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Nhóm 3, là các Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ, gồm: Những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc cả hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), khi hoạt động bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như: (1) Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; (2) Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; (3) Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu; (4) Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; (5) Phòng khám chuyên khoa da liễu.

Cũng theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, cho dù là bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa đều phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc cấp cứu thiết yếu và trình độ chuyên môn của bác sĩ theo quy định và được Bộ Y tế, Sở Y tế thẩm định đủ điều kiện mới cấp phép hoạt động. Cho dù thuộc loại hình nào, để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thẩm mỹ, Sở Y tế đã triển khai các biện áp cụ thể: Ngày 19/4, Sở Y tế có văn bản số 2485 gửi Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề thẩm mỹ. Ngoài ra, vào ngày 21/4, Sở Y tế còn có văn bản 2564 gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đào tạo nghề dịch vụ thẩm mỹ.

“Ngày 6/5, Sở Y tế cũng đã ban hành kế hoạch số 2949/KH-SYT về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn TP năm 2022, theo tiêu chí chất lượng áp dụng tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn TP (phiên bản 2.0). Thời gian đánh giá bắt đầu từ 16/5 và kết thúc trong quý 2/2022. Ngành Y tế rất mong người dân tiếp tục cung cấp các thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép để tương quyết xử lý nghiêm theo quy định qua kênh thông tin “Y tế trực tuyến” để có cơ sở xử lý hoặc phối hợp xử lý theo quy định” - bà Lê Thiện Quỳnh Như nói.

 

Báo động dịch sốt xuất huyết

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, bệnh sốt xuất huyết (SXH) từ ngày 1/1 đến trưa 12/5 là 7.129 ca, tăng 10,77% so với cùng kỳ. Ca bệnh nặng 158 ca, tăng hơn 50%, tử vong 6 ca tăng 200%... Bệnh SXH là bệnh dịch đang báo động. HCDC đang giám sát chặt chẽ. Bệnh SXH là bệnh chưa có vaccine phòng ngừa và không có thuốc đặc trị, do đó biện pháp phòng chống tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng.