Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh tăng thu nhập cho cán bộ, công chức từ đầu tháng 4/2018

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/3, tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX đã thông qua một số tờ trình của UBND TP và đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

HĐND TP đã thông qua tờ trình thí điểm chi thu tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện TP quản lý. Theo lộ trình tăng thu nhập, năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần, năm 2019 tăng tối đa 1,2 lần, năm 2020 tăng tối đa 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Thời điểm áp dụng là từ 1/4/2018. Những công chức nào được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được xem xét tăng thu nhập. Theo tính toán của TP, để thực hiện việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức… cần hơn 2.340 tỷ đồng để chi cho hơn 11.600 công chức; gần 122.160 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã - phường - thị trấn.
Được biết, tại kỳ họp lần này, HĐND TP sẽ xem xét thông qua Đề án thu hút nhân tài, nhân lực có chất lượng cao. Theo đề án, ngay khi được tuyển chọn, TP Hồ Chí Minh sẽ trợ cấp ngay 100 triệu đồng đối với các chuyên gia, nhà khoa học. Ngoài ra, hàng tháng sẽ được hưởng lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp. Mỗi công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp TP trở lên được duyệt thì được hỗ trợ với mức không thấp hơn 50 triệu đồng/người và mức hỗ trợ tố đa là 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu.

Thành phố cũng có chính sách hỗ trợ nhà ở, nhà khoa học có nhu cầu nhà ở thì được xem xét, bố trí nhà ở công vụ. Riêng vấn đề hỗ trợ 50% thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập phát sinh theo chính sách thu hút nhân tài đã được rút ra khỏi đề án do có nhiều tranh cãi.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại kỳ họp.
Tăng mức thu phí dừng đỗ ô tô dưới lòng đường

HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đã thông qua tờ trình của UBND TP về điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô trên địa bàn, sẽ chính thức áp dụng từ tháng 6/2018. Theo đó, phí tạm dừng đậu ô tô trên lòng đường được tính cao nhất là 40.000 đồng/giờ (hiện tại là 5.000 đồng/lượt), mức phí này cao hơn khoảng 20% so với mức thu của các cao ốc, trung tâm thương mại... Mức phí cũng tính tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho 2 nhóm là ô tô đến 9 chỗ; xe tải dưới 1,5 tấn và ô tô từ 10 chỗ; xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn.

TP sẽ không thu phí đậu xe qua đêm (từ 0 giờ - 6 giờ sáng). Tùy tình hình an toàn giao thông của một số tuyến đường mà quy định thời gian đậu xe cụ thể. Theo phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, việc tăng giá để khuyến khích người dân vào các trung tâm thương mại đậu xe để cho đường thông hè thoáng. Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết TP sẽ đấu thầu để chọn đơn vị phục vụ thu phí. Dự kiến, mỗi tháng thành phố sẽ thu được trên 30 tỷ đồng đối với 35 tuyến đường cho phép tạm dừng, đỗ xe.

Hai dự án đầu tư công nhóm A sử dụng ngân sách TP cũng được thông qua. Thứ nhất, dự án xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ quy mô 2.000 chỗ ngồi, tổng mức đầu tư 1.491 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2018-2022. Dự án thứ hai là dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, quy mô 180ha tại quận 2, di dời là 900 hộ dân, tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2018-2022.