Theo đó, ngày 31/5 Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh TLCP trên toàn địa bàn.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, cho biết: Đến thời điểm hiện nay, TP Hồ Chí Minh là 1 trong 17 tỉnh, thành phố chưa xảy ra bệnh dịch TLCP.
Tuy nhiên, dịch TLCP vẫn đang diễn biến rất nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu được kiểm soát một cách triệt để. Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng trên cả nước, vì vậy việc phòng chống và tổ chức khống chế dịch TLCP là cấp bách và rất quan trọng đối với TP Hồ Chí Minh.
Để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, tránh nguy cơ dịch bệnh phát tán rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đã đề nghị các Sở, ngành, quận huyện tập trung triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Theo đó, các ngành, các cấp liên quan chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, nhân sự, kinh phí, địa điểm tiêu hủy; kịp thời triển khai các biện pháp xử lý khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn; rà soát cập nhật các hộ chăn nuôi lợn rừng, lợn lai trên địa bàn, kể cả của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nuôi để cải thiện đời sống.
Đồng thời Sở NN&PTNT cũng yêu cầu bên Sở TN&MT chỉ đạo cho các công ty xử lý rác phải có các biện pháp chủ động xử lý trong tình huống trong tình trạng dịch THCP bùng phát và heo chết hàng loạt nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát tán ra môi trường.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Chương |
Cùng với đó, ông Trung đặc biệt lưu ý các quận huyện giáp ranh với các tỉnh phải tăng cường ngăn chặn việc tuồn heo lậu vào thành phố bằng các trục đường nhỏ lẻ. Nhất là các địa phương khu vực phía Nam thành phố như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp kinh doanh giết mổ lợn trái phép; phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu giám sát chủ động bệnh dịch TLCP tại chợ kinh doanh truyền thống, chợ tự phát, đặc biệt là các nguồn thịt lợn từ các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh, nguồn thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Cũng theo ông Trung, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn 274.154 con; trong đó 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn có nguy cơ cao đối với dịch tả lợn châu Phi. Qua kiểm tra địa bàn, TP Hồ Chí Minh ghi nhận chưa phát hiện đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Nguyễn Thành Thông, Phó Trưởng phòng kinh tế huyện Củ Chi, huyện có rất nhiều cửa ngõ giáp ranh tỉnh Bình Dương và Tây Ninh - đây là hai địa bàn đang có dịch bệnh. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, huyện đã triển khai 7 chốt kiểm dịch, bố trí lực lượng ngày đêm giám sát nguồn lợn và sản phẩm thịt lợn vận chuyển từ các tỉnh lân cận vào địa bàn.
Để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, huyện cũng đã triển khai phương châm “bốn tại chỗ” gồm: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ; đồng thời kiểm soát các cơ sở giết mổ, quy trình kiểm dịch và tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển gia súc tại các chốt kiểm dịch.