TP Hồ Chí Minh: Trong 3 ngày xét nghiệm nhanh toàn bộ người dân ở “vùng cam”, “vùng đỏ”

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 3 ngày, từ 23-25/8, các vùng nguy cơ cao, rất cao tại TP Hồ Chí Minh phải hoàn tất việc xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho toàn bộ người dân, sau đó tiến hành lặp lại xét nghiệm lần 2.

Chiều ngày 22/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đã ký văn bản khẩn số 2817 điều chỉnh kế hoạch số 2716 ngày 15/8 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.
 Văn bản khẩn số 2817, ngày 22/8 của UBND TP Hồ Chí Minh 
Theo đó, TP chỉ định xét nghiệm cộng đồng tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao "vùng cam” và nguy cơ rất cao “vùng đỏ” bằng hình thức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong vùng.
Tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc "vùng xanh"," vùng cận xanh", "vùng vàng" thì thực hiện như kế hoạch 2716.
Về phương thức tiến hành, các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức phân công các đội xét nghiệm. Trong đó, mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm (test) kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm.
Việc cấp test nhanh này phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp,…
Trường hợp người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm thì đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.
Sau khoảng 30-60 phút, nhân viên đội xét nghiệm sẽ quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp dương tính vào danh sách.
Danh sách người dương tính sẽ được gửi về Trung tâm y tế địa phương, xử lý như trường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành y tế. Người dân sẽ được hướng dẫn thu gom rác sau khi làm test nhanh cho vào túi ni-long để trả cho đội xét nghiệm; rác này sẽ được xử lý như rác thải y tế.

Trong thời gian từ ngày 23/8 đến ngày 25/8 phải hoàn tất xét nghiệm cho toàn bộ người dân, sau đó tiến hành lặp lại xét nghiệm lần 2.
 Nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (HCDC)
UBND TP giao Sở Y tế, quận, huyện, TP Thủ Đức chuẩn bị đầy đủ công tác hậu cần phục vụ cho việc xét nghiệm.
Chính quyền địa phương cũng phải tiến hành xác định các mức nguy cơ theo tổ dân phố, tổ nhân dân dựa vào thời gian và số lượng các ca F0 trên địa bàn; cập nhật tỉ lệ tiêm chủng cho đối tượng trên 18 tuổi,….
Trước đó, trong chiều cùng ngày 22/8, UBND TP cũng vừa ban hành khẩn Chỉ thị số 11 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Chỉ thị yêu cầu giãn cách theo nguyên tắc "xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch", người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu thì ở đó".
Cụ thể, TP thành lập Tổ công tác đặc biệt tại 312 phường, xã, thị trấn để thực hiện kiểm tra, nhắc nhở, vận động thực hiện tốt giãn cách; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội.
TP tăng kiểm soát nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách.
TP thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố để phát hiện sớm nhất F0; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động.
Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP cho biết từ 23/8 đến hết 6/9, TP sẽ tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”.
TP tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình khi tham gia lưu thông; thống nhất triển khai từ 0 giờ ngày 23/8 hoặc có thể sớm hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần