15 ngày chạy đua lọc F0 ra khỏi cộng đồng
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế TP đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại các vùng lõi, vùng có nguy cơ để lọc các ca F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Mục tiêu, cố gắng trong 15 ngày áp dụng giãn cách có thể lọc hết ca F0, F1 trong cộng đồng.
Tại các vùng lõi của dịch bệnh sẽ tiến hành lấy mẫu đơn, khu vực nguy cơ sẽ lấy mẫu gộp. Mẫu đơn có kết quả trong 10-12 giờ, mẫu gộp có kết quả trong 24 giờ.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam: Ngành y tế đang đứng trước áp lực số lượng F0 tăng nhiều, lực lượng y bác sĩ phải phân ra nhiều nơi để làm công tác điều trị, tăng cường lực lượng khám sàng lọc đầu vào các bệnh viện, lấy mẫu xét nghiệm (lực lượng hơn 6.000 người)... anh em ngành y tế tập trung cố gắng trong 15 ngày lọc ra nhóm F0 trong cộng đồng. Hiện tại, trong 3 ngày qua số lượng ca nhiễm có xu hướng đi ngang, sau khi hoàn tất công tác sàng lọc F0, chắc chắn số ca sẽ giảm.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Huân |
Về kế hoạch tiêm vaccine, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, TP nhận được quyết định phân bổ vaccine của Bộ Y tế, gồm 51.990 liêu Pfizer, gần 1 triệu liều Moderna và 100.000 liều Astra Zeneca. Ngành y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm, TP cũng đã thành lập Trung tâm điều phối vaccine.
Ngành y tế đã xây dựng dự thảo kế hoạch tiêm hơn 1 triệu liều vaccine với phương châm nhanh và hiệu quả, không tập trung đông người, trình cho UBND TP ban hành. Trong chiến dịch tiêm vaccine lần này, đối tượng ưu tiên gồm người có bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người nghèo, các đối tượng chính sách, người nước ngoài làm việc trên địa bàn TP...
Về kế hoạch tiêm, TP có 312 trạm y tế, ở mỗi trạm sẽ tổ chức từ 1 đến 2 bàn tiêm, tại các địa bàn đông dân cư sẽ tổ chức thêm các điểm tiêm lưu động từ 3 đến 5 bàn tiêm. Mỗi bàn sẽ tiêm 120 người để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Mỗi đội tiêm sẽ có đội ngũ y bác sĩ khám sàng lọc, tiêm và theo dõi cấp cứu khi có biến chứng. Các xe cấp cứu được bố trí tại các vị trí có thể tiếp cận điểm tiêm trong vòng 3 phút khi có sự cố xảy ra. Kế hoạch của TP là sẽ thực hiện chiến dịch tiêm 1,1 triệu liều vaccine trong 2 đến 3 tuần.
Giải đáp câu hỏi của báo chí về việc giao cho cơ sở y tế tuyến phường xã tổ chức tiêm vaccine liệu có an toàn?
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho rằng, lực lượng y tế phường xã vốn vẫn đảm nhiệm các chương trình tiêm chủng quốc gia, tuy nhiên đợt tiêm vaccine này vẫn tăng cường các đội hỗ trợ, tăng cường các đội cấp cứu. Cho dù tiêm vaccine tại các điểm tiêm cộng đồng hay trạm y tế vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bố trí xe cấp cứu tiện lợi nhất, đến tận nơi trong vòng 3 phút. Đảm bảo cho người tiêm là tiêu chuẩn cao nhất.
TP Giao cho địa phương lên danh sách đối tượng ưu tiên vì địa phương nắm chắc nhất đối tượng này, căn cứ số liệu quận huyện, TP phân bổ vaccine về địa phương.
Dừng hoạt động Khu chế xuất Tân Thuận
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tính từ 6 giờ ngày 11/7 đến 6 giờ ngày 12/7 trên địa bàn TP phát hiện 1.489 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 1.026 ca trong các khu phong toả, khu cách ly. Toàn bộ 22 quận, huyện và TP Thủ Đức đều ghi nhận có ca nhiễm. TP Thủ Đức có số ca nhiễm cao nhất 197, quận Phú Nhuận có số ca nhiễm ít nhất là 2 trường hợp.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, TP Thủ Đức có số ca nhiễm cao vì trên địa bàn có ổ dịch ở Khu công nghệ cao. Tuy nhiên, đáng mừng toàn bộ số ca F0 tại Khu công nghệ cao đã được lọc ra và số ca F1 đều đã được cách ly tập trung, F2 được cách ly tại nhà. Tình hình lây nhiễm trong Khu Công nghệ cao cơ bản kiểm soát, không phát hiện ổ dịch mới.
Về tình hình ổ dịch ở Khu chế xuất Tân Thuận, theo HCDC qua xét nghiệm khoảng 140.000 công nhân, thuộc 132 doanh nghiệp đã phát hiện 275 ca dương tính. Tình hình dịch bệnh ở Khu chế xuất Tân Thuận, được đánh giá có thể xấu hơn nên ngành y tế đã khuyến cáo cho địa phương để tạm ngưng hoạt động, hạn chế sự lây lan. Việc tạm ngưng hoạt động cả Khu chế xuất Tân Thuận là vấn đề mới, ngành chức năng vẫn đang xử lý những vấn đề.
Một vấn đề được báo chí quan tâm nhất tại buổi họp báo là công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19?
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được chia thành tháp 4 tầng. Tầng thứ nhất, gồm 8 bệnh viện dã chiến dành để điều trị cho các ca không có triệu chứng; tầng thứ 2, dành để điều trị cho các ca có ít triệu chứng; tầng thứ 3, dành điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý nền; tầng thứ 4, dành để điều trị cho các bệnh nhân nặng.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam khẳng định: “Các bệnh nhân Covid-19 được theo dõi nồng độ oxy máu, có dấu hiệu nhẹ thôi đã được đưa lên tầng điều trị khác rồi. Trong các bệnh viện, có triệu chứng nhẹ đã được theo dõi chặt. Chúng tôi cũng đã làm việc với tổ chức cung cấp oxy, họ đảm bảo cung cấp đủ oxy trong mọi điều kiện”.