Khắc phục khó khăn để khai giảng năm học mới
Chiều 4/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã có buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình chống dịch trên địa bàn; Công tác chuẩn bị cho năm học 2021-2022…
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cung cấp một số thông tin về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh học sinh cấp Tiểu học có khoảng 31.000; Cấp THCS có khoảng 22.000 học sinh và cấp THPT là hơn 15.000. Từ ngày 6/9 học sinh cấp THCS, THPT trên địa bàn TP sẽ bắt đầu vào năm học mới, làm quen với lớp và tiếp tục củng cố số lớp, rà soát điều kiện lớp học trong 1 tuần. Lớp nào đủ điều kiện thì vào học, lớp nào chưa đủ điều kiện thì đến tuần thứ hai là vào học chính thức. Đối với học sinh cấp Tiểu học, sau ngày 6/9 sẽ có hai tuần làm quen bạn bè, lớp học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng thông tin về một số giải pháp để khắc phục các vấn đề khó khăn. Chẳng hạn đối với những học sinh không có thiết bị học tập, bài giảng sẽ được đưa lên các web sách điện tử, ghi hình bài giảng… Đối với số 5% học sinh không thể tiếp cận internet, TP có xây dựng các tuyến mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ đến từng nhà và giáo viên tình nguyện. Ngoài ra, TP còn làm việc với các nhà cung cấp thiết bị điện tử dạy và học trên internet, sẵn sàng hỗ trợ đường truyền giới thiệu về các trường với gói giảm giá, trả góp… Sở GD&ĐT cũng đã có chỉ đạo hai đơn vị bưu điện hỗ trợ tất cả các trường học hoàn tất việc giao sách giáo khoa cho các trường.
Công tác chuẩn bị năm học mới nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí, nhiều vấn đề được báo chí đặt ra như TP có giải pháp hỗ trợ nào dành cho các em học sinh bị mất bố mẹ trong đại dịch, công tác chuẩn bị cho lực lượng giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy học…
Ông Phạm Đức Hải - Phó ban, người phát ngôn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, trước thềm năm học mới có hai điều lo lắng, là có nên dời khai giảng năm học mới hay không? Thứ hai, khắc phục việc còn khoảng 4% học sinh không có trang thiết bị để học online thế nào?
“Không riêng gì ngành giáo dục mà cả TP đều chủ trương không để bất cứ học sinh nào không được học vì dịch bệnh, càng không thể vì dịch bệnh mà không hoàn thành trách nhiệm trong giáo dục” - ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.
Về vấn đề vẫn còn khoảng 4% học sinh không có trang thiết bị để học online, ông Phạm Đức Hải cho rằng, từ 2020 đã học trực tuyến rồi, có nhiều giải pháp thay thế.
Ông Phạm Đức Hải liệt kê 9 giải pháp thay thế: Thứ nhất, chúng ta có đường truyền; Thứ hai, học qua truyền hình, đài phát thanh; Thứ ba, có sách điện tử; Thứ tư, có clip ghi hình bài giảng; Thứ năm, tạo điều kiện cho gia đình khó khăn tiếp cận thiết bị điện tử bằng gói giảm giá, trả góp; Thứ sáu, phát tài liệu học tập đến tận nhà; Thứ bảy, nhà trường vận động các mạnh thường quân mua thiết bị cho học sinh; Thứ tám, tranh thủ thời gian vàng, tăng tốc bồi dưỡng kiến thức và Thứ chín có thể kéo dài thời gian học thêm, bù vào thời gian học trực tuyến.
Ông Phạm Đức Hải cũng khẳng định, TP Hồ Chí Minh không dời thời gian khai giảng năm học mới.
Vì sao số F0 tăng vọt
Một nhóm vấn đề liên quan đến ngành y tế cũng được báo chí quan tâm đó là vì sao số lượng người bị F0 tăng vọt?
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), cho rằng cần bình tĩnh vì việc tăng F0 này không có gì đột biến. Về nguyên tắc, công bố của Bộ Y tế phải có xét nghiệm PCR dương tính để khẳng định nhiễm SARS-CoV-2. Điều đó có nghĩa là số liệu công bố tới hiện thời là những người đã test PCR.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Tâm, vừa rồi TP Hồ Chí Minh tăng cường test nhanh để bóc tách F0 nhanh nhất, tiếp cận người có khả năng mắc bệnh để hỗ trợ điều trị kịp thời nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong. Đó là mục đích mà Bộ Y tế cho phép TP tăng cường xét nghiệm bằng test nhanh. Test nhanh có tính chính xác khá cao, nhưng không bằng phương pháp PCR. Người test nhanh có kết quả dương tính chỉ là nghi ngờ chứ không phải chắc chắn. Trong chiến dịch này, ngoài người xét nghiệm PCR dương tính thì có người mới chỉ là test nhanh dương tính.
“Những ngày gần đây, số test nhanh cho kết quả dương tính là 7.000-8.000 ca nhưng vẫn phải chờ xét nghiệm PCR” - ông Nguyễn Hồng Tâm cung cấp thêm thông tin.
“Có nhiều địa phương khi thấy test nhanh dương tính thì làm lại bằng phương pháp PCR, số nghi ngờ được chuyển thành số chắc chắn nên F0 tăng vọt. Về mặt kỹ thuật, ngành y tế đã làm việc với các địa phương để chấn chỉnh sao cho có con số chính xác nhất. Số F0 tăng kể trên không có gì đột biến, người dân không nên sợ hãi, tính chất vẫn như những ngày trước” - ông Nguyễn Hồng Tâm giải thích nguyên nhân vì sao F0 tăng đột biến trong ngày 3/9 với hơn 8.000 ca.