TP Hồ Chí Minh: Xử lý 1.386 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở ở Hóc Môn

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh tra TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo kết quả về việc xử lý cụ thể đối với 1.386 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại Hóc Môn, cũng như việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Ngày 27/11, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã ra thông báo chính thức về kết quả rà soát, kiểm tra đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Theo đó, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã thông báo kết quả về việc xử lý cụ thể đối với 1.386 hồ sơ cũng như việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo kết quả phân loại của UBND huyện Hóc Môn, 1.386 hồ sơ được phân thành bảy nhóm hồ sơ theo pháp lý quy hoạch sử dụng đất. Cụ thể như sau:
 Huyện Hóc Môn là địa phương ''nổi tiếng'' với nhiều sai phạm trong quản lý đất đai.
Nhóm 1 gồm 245 trường hợp: Có chức năng quy hoạch theo đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000: đất nhóm nhà ở hiện hữu, đất ở hiện hữu, đất nhóm nhà ở hiện hữu ổn định, đất ở hiện hữu cải tạo, đất nhóm ở hiện hữu cải tạo xen cài dân cư mới; đất ở nhóm hiện hữu chỉnh trang kết hợp dân cư xây dựng mới, đất ở hiện hữu chỉnh trang, có tiếp giáp đường giao thông đã được phê duyệt lộ giới, chiều rộng mặt đường hiện hữu trên 3,5m2.
Nhóm 2 gồm 97 trường hợp: có chức năng quy hoạch theo đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/5.000, là đất dân cư nông thôn hiện hữu, đất dân cư mật độ cao, đất dân cư nông thôn tập trung, có tiếp giáp đường giao thông đã được duyệt lộ giới, chiều rộng mặt đường hiện hữu trên 3,5m.
Nhóm 3 gồm 83 trường hợp: giống như nhóm 1 nhưng chiều rộng mặt đường hiện hữu nhỏ hơn 3,5m.
Nhóm 4 gồm 37 trường hợp: giống như nhóm 2 nhưng chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 3,5m.
Nhóm 5 có 485 trường hợp: có chức năng quy hoạch theo đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 (không thuộc nhóm 1) và đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 (không thuộc nhóm 2): có tiếp giáp đường giao thông đã được phê duyệt lộ giới, chiều rộng mặt đường hiện hữu trên 3,5m.
Nhóm 6 có 323 trường hợp: giống như nhóm 5 nhưng chiều rộng mặt đường hiện hữu nhỏ hơn 3,5m.
Nhóm 7 gồm 116 trường hợp: có quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/10.000.

Báo cáo của Thanh tra TP Hồ Chí Minh kết luận, trong 1.386 trường hợp nêu trên, có 527 trường hợp đã đã tách thửa và chuyển nhượng thành 1.086 trường hợp, có 64 trường hợp tách thành nhiều thửa để chuyển nhượng, có 634 trường hợp đã thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng và hiện nay còn 429 trường hợp đang thế chấp quyền sử dụng đất.
Về việc cấp giấy phép xây dựng công trình, trong 1.386 hồ sơ trên, đã có 515 trường hợp có hộ khẩu ngoài huyện Hóc Môn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sau đó chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.
Trong số các trường hợp này, có 205/515 trường hợp đã được cấp phép xây dựng, hiện trạng có 21 nhà xưởng (có 10 trường hợp có diện tích từ 1.000 m2 đến 1.628 m2, số trường hợp còn lại từ 500 m2 trở lên). Có ba trường hợp UBND huyện Hóc Môn kiểm tra, lập biên bản vi phạm và ghi nhận sai công năng.
Liên quan đến việc giải quyết 1.386 trường hợp này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo UBND huyện Hóc Môn rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm năm kỳ cuối (2016-2020) đã được TP phê duyệt vào năm 2017. Từ đó, đề xuất lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 trên địa bàn huyện Hóc Môn trình TP Hồ Chí Minh phê duyệt.
Huyện Hóc Môn phải tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch các đường, hẻm trên địa bàn huyện, làm cơ sở quản lý các đường, hẻm và giải quyết tiếp các thủ tục về nhà đất theo quy định với các trường hợp thuộc các nhóm 1, 3.
Cùng với đó, huyện Hóc Môn lập, thẩm định, chuyển Sở Quy hoạch Kiến trục TP Hồ Chí Minh có ý kiến trước khi phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2000, làm cơ sở xem xét sự phù hợp quy hoạch để giải quyết tiếp các thủ tục về nhà đất theo quy định đối với các trường hợp thuộc nhóm 3, 4.
Nhóm 5 và 6 sẽ được giải quyết sau khi huyện Hóc Môn lập điều chỉnh quy hoạch phân khu (hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000) chuyển sở Quy Hoạch Kiến trúc thẩm định, trình UBND TP phê duyệt.
Riêng nhóm 7, huyện Hóc Môn sẽ rà soát pháp lý quy hoạch với từng trường hợp cụ thể, phân bổ vào nhóm 1 đến nhóm 6 để giải quyết. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giao huyện Hóc Môn cùng phối hợp các sở ngành giải quyết các vấn đề nêu trên trong thời hạn một năm, kể từ tháng 11/2020.
Cuối cùng, giao Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận toàn bộ vụ việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở không đúng quy định pháp luật trên địa bàn huyện Hóc Môn từ 2015 đến tháng 7/2016 và triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện sai phạm có dấu hiệu hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.