Các nhà khoa học cho biết miền Tây nước Mỹ đang trong tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ qua.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2021 được đánh giá là khô hạn nhất trong 1.200 năm ở miền Tây nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu cho biết mức độ nghiêm trọng của hạn hán trong năm 2021 là "đặc biệt", và tất cả các dấu hiệu cho thấy tình trạng khắc nghiệt sẽ tiếp diễn đến năm 2022. Cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã khiến trận siêu hạn hán tồi tệ hơn 72%, nghiên cứu lưu ý.
Theo nghiên cứu này, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang có tác động trực tiếp đến nguồn nước sẵn có ở phương Tây, nơi trong hai thập kỷ qua có đặc trưng là thời tiết khô hạn, với những đợt mưa ít ỏi.
Giấc mơ về việc khắc phục hạn hán đã tan thành mây khói khi ngay đầu năm mới, nguồn nước đã không còn đổ về nơi đây. Trong tháng 1/2022, lượng mưa ở Los Angeles, Mỹ chỉ còn chưa được 1/10, khoảng 25mm, khiến đây là tháng 1 khô hạn kỷ lục thứ tám của TP. Và tới giữa tháng 2, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn.
Những biến động này ngày càng rõ rệt cho thấy tác động mạnh của biến đổi khí hậu.
David Feldman, Giáo sư về quy hoạch đô thị và chính sách công tại Đại học California, cho biết: "Có những tài liệu tin cậy cho thấy trên thực tế, lượng mưa còn ít mưa. Điều dường như đang xảy ra theo hầu hết các nhà khoa học khí hậu là chúng ta đang rơi vào thời kỳ khô hạn hơn, kéo dài hơn. Và điều trớ trêu là những khoảng thời gian khô hơn, dài hơn đó lại bị chấm dứt bởi những cơn bão rất dữ dội."
Trong khi đó, Park Williams, một nhà khoa học khí hậu tại UCLA - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết sẽ mất vài năm để lượng mưa và tuyết rơi tăng trên mức trung bình có thể giảm tình trạng siêu hạn hán.
Ông nói: “Rất khó để đợt hạn hán này sẽ kết thúc trong vòng 1 năm".
Nước tái chế thay vì nước nhập khẩu
Trước tình hình này, Los Angeles đang nỗ lực để giảm phụ thuộc vào nguồn nước nhập khẩu. Hiện tại, 90% lượng nước sử dụng ở Los Angeles được nhập khẩu từ Bắc California, Dãy núi Sierra Nevada và Lưu vực sông Colorado.
Kế hoạch đang được thực hiện với mục tiêu 70% lượng nước của thành phố sẽ được sử dụng tại địa phương vào năm 2035.
Traci Minamide, giám đốc điều hành của Công ty Vệ sinh và Môi trường Los Angeles cho biết: “Một trong những trọng tâm chính của chúng tôi là nước tái chế và trên thực tế, mục tiêu của thành phố Los Angeles là tái chế 100% lượng nước thải. Điều đó sẽ giúp chúng tôi cung cấp nguồn nước địa phương bền vững và nhất quán."
Giám đốc Minamide cho biết: “Nước tái chế được đi qua hệ thống thu gom nước thải, trên toàn bộ mạng lưới 6.500 dặm đường cống".