Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Ca sốt xuất huyết tăng gần 300%, có 16 người tử vong

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông báo mới nhất của Sở Y tế tại buổi khảo sát của Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh. Ngoài 16 ca tử vong vì sốt xuất huyết, tính đến nay số ca mắc tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngày 27/7, Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh đã có buổi khảo sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tất TP Hồ Chí Minh (HCDC). 

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh thông tin tại cuộc họp ngày 27/7.
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh thông tin tại cuộc họp ngày 27/7.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay toàn TP ghi nhận 16 ca tử vong vì SXH, tăng 13 ca so với năm 2021. Địa phương có số ca tử vong vì SXH nhiều nhất là huyện Củ Chi (4 trường hợp), quận Bình Tân và huyện Bình Chánh (2 trường hợp/địa phương). Các quận 11, 12, Gò Vấp, 8, 7, 6, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức mỗi nơi 1 trường hợp.

Đến ngày 27/7, số ca SXH tích lũy trên địa bàn TP hơn 32.011 ca (18.196 ca nội trú, 13.815 ca ngoại trú), tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8.128 ca); tăng 122,7% so với cùng kì giai đoạn 2016 - 2020 (14.374 ca). Số mắc của TP chiếm 1/3 so với tổng số ca SXH của khu vực phía Nam.

Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, dịch SXH năm nay có nhiều điểm khác biệt. Bệnh vào mùa sớm, ca bệnh nặng tăng, chiếm 1,57% so với tổng số mắc. Tỷ lệ người lớn mắc bệnh nhiều hơn trẻ em. Những năm trước, bệnh chủ yếu ghi nhận ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra, TP cũng ghi nhận số ổ dịch tích lũy là 1.888 điểm. Từ tuần 21 đến nay, TP phát sinh trên 100 ổ dịch/tuần. Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá hiện việc ra quyết định xử phạt các cá nhân, tổ chức để lăng quăng sinh sôi đã quyết liệt hơn nhưng chưa đồng đều. Một số địa phương có nhiều ổ dịch nhưng không có một quyết định xử phạt nào.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết đến 27/7 đã có 16 ca tử vong vì SXH tại TP Hồ Chí Minh.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết đến 27/7 đã có 16 ca tử vong vì SXH tại TP Hồ Chí Minh.

Trước tình hình số ca tử vong vì SXH tăng, Sở Y tế đã thành lập hội đồng chuyên môn họp rút kinh nghiệm từng trường hợp cụ thể, từ đó có giải pháp can thiệp kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã họp các chuyên gia để xây dựng hướng dẫn điều trị SXH trên thai phụ, có kế hoạch kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị SXH ở các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là các phòng khám tư nhân.

Để chủ động trong công tác thu dung, điều trị SXH, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng cho biết Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị trên địa bàn TP theo 3 kịch bản là dưới 2.000 ca, từ 2.000 - 4.000 ca; từ 4.000 - 6.000 ca điều trị tại bệnh viện nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do SXH. Căn cứ kịch bản này, TP đang ở tình huống 2 (mỗi ngày có 300 - 600 ca SXH nhập viện), do đó Sở Y tế đã đề nghị tất cả các bệnh viện được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền… để tiếp nhận, điều trị người bệnh.

Tại buổi khảo sát của HĐND TP Hồ Chí Minh, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, khó khăn của ngành y tế trong thời gian qua. Đó là hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến là kênh chủ yếu để thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày đã bị tê liệt, các bệnh viện trở lại hình thức báo cáo bằng cách gửi email danh sách ca bệnh cho HCDC và mất rất nhiều thời gian để xử lý dữ liệu và tải lên phần mềm GIS, từ đó quận, huyện, phường, xã mới tiếp nhận, xác minh, điều tra, xử lý. 

Một số nội dung chi hỗ trợ cho cán bộ tham gia các chương trình không có cơ sở thực hiện. Mặt khác, chế độ chăm lo, chi trả chi phí cho cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết ở tuyến cơ sở như những dân quân tại các đơn vị tham gia phun xịt hóa chất diệt muỗi, chống dịch SXH vẫn chưa có mức chi phí bồi dưỡng.

Trước thực trạng này, Sở Y tế kiến nghị cần có chính sách, cơ chế để duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, cũng như cơ chế chính sách thu hút nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng.

 

Ngày 27/7, tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2022 của TP. Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, TP có nhiều kênh rạch, dịch SXH tạo ra thách thức lớn đối với ngành y tế, số ca tăng đồng thời ca nặng cũng tăng mạnh nhưng TP không thiếu thuốc hoặc vật tư y tế là một thế mạnh. Ngoài dịch bệnh SXH, hiện nay bệnh đậu mùa khỉ cũng xuất hiện ở một số nước xung quanh Việt Nam. Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo để các tỉnh, TP triển khai công tác phòng chống bệnh.

Về tình trạng nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh nghỉ việc đến thời điểm tháng 7/2022 đã có khoảng 900 người. Trước tình trạng này Bộ Y tế đã có đề nghị tăng phụ cấp cho nhân viên ngành y lên 40% - 60% hoặc 100%, hiện đề án tăng phụ cấp đã gửi sang Bộ Tư pháp phối hợp để trình Thủ tướng phê duyệt.