TPP - Cơ hội lớn cho Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (4/2, theo giờ Việt Nam), tại New Zealand, lãnh đạo của 12 nước thành viên đã ký kết Hiệp định TPP. Đây được coi là bước khởi đầu mở ra cơ hội lớn để hiệp ước thương mại đa quốc gia này trở thành hiện thực.

Chặng đường dài đã qua
Ý tưởng về một khu vực thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương đã xuất hiện cách đây 2 thập kỷ nhưng chỉ trở thành hiện thực khi Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (P4) được ký kết ngày 3/6/2005 giữa 4 nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore.

Từ năm 2008 - 2013, từ 4 nước ban đầu, P4 đã thu hút thêm 8 nước tham gia là Mỹ (9/2008), Australia, Peru (11/2008), Malaysia (10/2010), Việt Nam (11/2010), Mexico, Canada (6/2012) và Nhật Bản (7/2013), nâng tổng số thành viên lên 12 nước.
Lẽ ký kết TPP tại New Zealand.
Lẽ ký kết TPP tại New Zealand.
Từ năm 2010, P4 chính thức có tên là Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (còn gọi là TPP) . Trong cùng năm, vòng đàm phán TPP đầu tiên được tiến hành tại Melbourne, Australia.

Tháng 12/2013, Bộ trưởng 12 nước từ bỏ mục tiêu hoàn tất đàm phán trong năm 2013 sau khi không thu hẹp được bất đồng về quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 2014, các cuộc đàm phán được tiến hành theo phương thức song phương, chủ yếu tập trung vào kết quả đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất TPP. Tuy nhiên, khoảng cách quá lớn giữa hai nước về vấn đề ô tô và sản phẩm nông nghiệp khiến đàm phán TPP một lần nữa bỏ lỡ thời hạn chót.

Tháng 7/2015, Bộ trưởng 12 nước đàm phán TPP họp tại Hawaii (Mỹ) nhưng vẫn không khai thông được bất đồng.

Ngày 5/10/2015, sau 5 ngày đàm phán cam go do bất đồng về thời gian bảo hộ độc quyền các sản phẩm sinh dược thế hệ mới, đại diện 12 nước đã tìm được tiếng nói chung và đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Phiên họp tại Atlanta đã chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất trong lịch sử và lễ ký kết tại Auckland đã đánh dấu thêm một bước tiến nữa trên hành trình hướng tới khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương.

Hiệp định lịch sử
Đúng như Thủ tướng New Zealand John Key nhận định TPP “thực sự là một hiệp định lớn” khi hướng tới xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Theo đó, TPP sẽ tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với 790 triệu dân, chiếm 40% GDP của thế giới và 1/3 thương mại toàn cầu. Cùng với đó, 18.000 chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được giảm hoặc xóa bỏ thuế quan. Là hiệp định thương mại tư do thế hệ mới, sẽ góp phần củng cố và mở rộng các mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế TPP; tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu của các nước thành viên; hỗ trợ tạo công ăn việc làm, thúc đẩy các sáng kiến và hỗ trợ tốt nhất cho người dân.TPP - Cơ hội lớn cho Việt Nam - Ảnh 1
Không chỉ đặt mục tiêu kết nối 12 nền kinh tế thành viên, TPP còn là một khung khuôn khổ pháp lý có ảnh hưởng tới cả vấn đề ngăn chặn lao động trẻ em, quy định bảo vệ môi trường và đại dương, và các quy định nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã. Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, hiệp định này không chỉ là một thỏa thuận mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, mà còn phản ánh những giá trị chung của nền thương mại toàn cầu.

Cơ hội lớn của Việt Nam

Sau khi Hiệp định này được thông qua với sự tham gia của 12 quốc gia vốn chiếm 40% GDP của cả thế giới, Việt Nam được cho là một trong những quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất cho việc thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Việc tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày và đồ gỗ, tạo cú hích để thúc đẩy xuất khẩu. Hàng hóa Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường các nước thành viên TPP, đồng thời đầu tư từ các nước TPP vào Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định hoàn tất TPP cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là những dấu mốc có ý nghĩa to lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng, liên kết khu vực, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết và tăng trưởng bền vững, bao trùm của APEC và châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand John Key vẫn cho rằng, TPP hiện vẫn “chỉ là một tờ giấy” và các nước thành viên cần nỗ lực giúp TPP được phê chuẩn trong nước cho đến khi nó có hiệu lực.