TPP - tàu lớn chuẩn bị ra khơi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TPP có hiệu lực sẽ đem lại lợi ích cho toàn bộ các nước thành viên tham gia.

Sau 5 năm với nhiều mâu thuẫn, vòng đàm phán quyết định (28-31/7) về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii (Mỹ) được kỳ vọng giải quyết những rào cản then chốt còn tồn tại giữa các bên trong vấn đề tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ, góp phần hiện thực hóa tham vọng về một hiệp định thương mại châu Á - Thái Bình Dương.  

Đẩy lùi những cản trở

Giới phân tích cho rằng, hy vọng về đàm phán TPP thành công đã gia tăng trong những tuần gần đây.
TPP có hiệu lực sẽ đem lại lợi ích cho toàn bộ các nước thành viên tham gia.
Kinhtedothi - TPP có hiệu lực sẽ đem lại lợi ích cho toàn bộ các nước thành viên tham gia.
Trong “cuộc chiến” theo đuổi TPP này, Tổng thống Mỹ đã có thêm vũ khí mới sau khi Quốc hội nước này thông qua đạo luật thúc đẩy thương mại (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama. Theo đó, cho phép Nhà Trắng toàn quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác bên ngoài và Quốc hội chỉ được quyền bỏ phiếu tán thành hoặc bác bỏ, triển vọng hoàn tất TPP nhờ vậy đã sáng sủa hơn.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng, chỉ còn tồn tại một vài vấn đề nhỏ trong tiến trình đàm phán TPP, mặc dù đây là những vấn đề khó khăn, phức tạp hoặc mang tính nhạy cảm chính trị nhất. Việc hai đầu tàu kinh tế của TPP là Mỹ và Nhật Bản dần thu hẹp và giải quyết các bất đồng về các chính sách thương mại song phương cũng mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy hiệp định này đi đến hồi kết, đồng thời định hình cho cả tiến trình đàm phán.

Lợi ích gần và xa

Hoàn tất TPP đóng góp một dấu mốc ý nghĩa trong chiến lược xoay trục sang châu Á mà Tổng thống Obama “đau đáu” kể từ khi lên nắm quyền, nhằm tái cân bằng chính trường và giảm ảnh hưởng trên trường thương mại của Trung Quốc tại khu vực này.

Chính quyền Mỹ đã từng tôn vinh TPP là “Hiệp định thương mại của thế kỷ XXI”. Ngoài việc dỡ bỏ các rào cản thương mại, TPP còn yêu cầu các quốc gia tham dự nâng tầm tiêu chuẩn thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường, lao động và quyền con người. Theo đó, các nước Đông Nam Á bao gồm Brunei, Singapore, Malaysia và Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn hơn so với các nền kinh tế đang phát triển cùng tham gia. Đó là cơ hội cải cách mạnh mẽ môi trường thương mại.

Trong khi cả 12 nước tham gia đàm phán đều đang đếm ngược cho thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới này, theo các chuyên gia, một khi hoàn tất, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất. Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) nhận định, với việc được miễn thuế vào thị trường giày dép và may mặc Mỹ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn so với hiện nay, khi mức thuế nằm trong khoảng 17-32%. Điều này dự báo sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thêm vào đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp chảy vào Việt Nam - quốc gia đang có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong các nước tham gia đàm phán TPP sẽ tăng lên đáng kể. PIIE nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là nước hưởng mức tăng thu nhập và mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong số 12 nước thành viên TPP, với tỷ lệ tăng lần lượt là 13,6% và 31,7%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần