Gặp dược sỹ Trần Thị Nga, quản lý tại Công viên Thực vật cảnh Việt Nam, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bà vừa hái hoa cúc, vừa chia sẻ: “Hoa cúc sử dụng để chữa bệnh và uống nước là cúc chi hoa vàng và cúc chi hoa trắng. Hiện nay, trên thị trường chủ yếu là trà hoa cúc chi vàng. Là dược sỹ nên tôi biết, cúc chi hoa trắng có công dụng tốt hơn cúc chi hoa vàng. Đông y sử dụng hoa cúc trong bài thuốc chữa ô nấm. Hoa cúc có tác dụng làm thanh nhiệt giải độc, làm mát cơ thể, an thần giúp cải thiện giấc ngủ, điều hòa huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch, sáng mắt, kháng viêm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, điều trị mụn và làm đẹp da …”
Theo bà Nga, trước đây, có một thời gian mọi người dường như lãng quên hoa cúc không sử dụng trong gia đình mà phần lớn chủ yếu dùng trong các bài thuốc đông y là chính. “Tôi nghỉ làm việc tại Học viện Đông y về trồng hoa cúc và làm trà cúc chủ yếu là giới thiệu với người dân Thủ đô Hà Nội, cũng như khách thập phương đến đây tham quan, biết được tác dụng của trà hoa cúc đối với sức khỏe. Vào những ngày Đông, nếu có một chén trà hoa cúc, pha với một chút mật ong uống vào cảm thấy rất ấm áp, xua đi cái giá lạnh của mùa Đông. Trước khi thưởng trà, người ta đưa chén trà hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, cho ta thấy hương thơm ngọt ngào của hoa cúc và cảm giá sảng khoái tinh thần. Nhất là vào những ngày Tết cổ truyền, trà hoa cúc không chỉ là thức uống đãi khách mà nó là dược phẩm đào thải bớt lượng dầu, mỡ, độc tố ta ăn vào”, bà Nga cho biết thêm.
Ngoài hương vị dễ chịu, trà hoa cúc còn có nồng độ dược tính cao, tốt cho sức khỏe như các chất flavonoid, sesquiterphe, vitamin và khoáng chất bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, thanh lọc cơ thể, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Sôi động thị trường trà hoa cúc
Dạo quanh thị trường trà hoa cúc vào những ngày cuối năm, từ ở trên các trang bán hàng online, siêu thị đều bán khá chạy.
Ông Vũ Ngọc Hải, Giám đốc Công ty trà Việt Anh, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Công ty đang sản xuất 16 loại trà khác nhau. Những năm trước Công ty chuyên sản xuất các loại trà búp, trà nhúng Thái Nguyên, trà đào, chanh, cam… Nhưng năm nay Công ty chuyển dịch sang phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên của người Hà Nội cũng như cả nước là trà hoa. Trong thành phần của trà hoa có hoa cúc, hoa hồng, kỷ tử, táo đỏ, long nhãn. Chúng tôi đang bán rất chạy ở tất cả các siêu thị lớn trên toàn quốc như: Vinmart, AEON, Co.opmart và một số chuỗi cửa hàng tiện ích. Mặc dù, đầu năm 2021 Công ty trà Việt Anh mới làm trà hoa, nhưng đến nay đã đạt đến 25% sản lượng toàn công ty. Mặc dù trà hoa giá khá cao, nhưng người tiêu dùng rất ưa dùng, nhất là phụ nữ, trẻ em. Ngày nay, người tiêu dùng nhận thức ra những sản phẩm phục vụ cho sức khỏe và họ thích dùng. Trong trà hoa, thì hoa cúc, hoa hồng đều là vị thuốc bắc tốt cho sức khỏe, tiêu hóa tốt, khi kết hợp với long nhãn, kỷ tử, táo đỏ, đây đều là vị thuốc bắc chống bạc tóc, đẹp da, sáng mắt”.
Tại Công viên Thực vật cảnh Việt Nam, số lượng trồng và sản xuất trà hoa cúc không quá lớn. Những ai đến đây đều được mời uống trà hoa cúc và mua về làm quà một vài gói trà. Trà cúc làm ra đến đâu hết đến đó.
Chị Tâm làm việc tại Hà Nội, quê ở Hưng Yên, nơi chuyên sản xuất trà cúc chi. Chị Tâm cho hay: "Thời gian qua, cứ vào kỳ nghỉ cuối tuần chị lại về quê hái hoa cúc để làm trà. Năm nay khá nhiều người mua trà hoa cúc nên gia đình chị mở rộng diện tích sản xuất. Mỗi lạng trà sấy khô bán tại nơi sản xuất đã từ 70.000 – 80.000 đồng".
Chỉ cần vào mạng đánh cụm từ “trà hoa cúc” ta đã thấy khá nhiều trang mạng thương mại điện tử bán trà hoa như Shopee, Tiki, các siêu thị, cửa hàng tư nhân… Giá bán trà hoa cúc cũng tùy vào cách thức sản xuất của mỗi đơn vị. Có những đơn vị chỉ sấy lạnh nguyên bông giá bán dao động khoảng 160.000 – 180.000 đồng/lạng. Ngoài ra còn có trà cúc tẩm mật ong, trà cúc túi lọc, trà cúc atiso, trà cúc mâm xôi trắng... Nhưng đắt nhất là trà hoa ngũ vị có thể lên đến vài trăm nghìn đồng/lạng.