Tôi không nhớ cốc trà đá đầu tiên mình uống trên đất Thủ đô là khi nào. Thực ra, đó không phải là sự thay đổi gì lớn lao để phải nhớ. Cảm giác như bất cứ ai khi đến Hà Nội, lang thang với những vỉa hè, góc phố, cũng đều biết đến món trà đá. Không sớm thì muộn. Nhất là giai đoạn đầu những năm 2000, cảm giác như cứ bước ra khỏi phòng ký túc xá là gặp quán trà đá. Trà đá bán ở ngay căng tin ký túc, dành cho những cô, cậu sinh viên xuống đó trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm học tập, rồi cả tán tỉnh, hẹn hò. Cốc trà đá là đồ tiếp khách, là vị kết nối tình cảm giữa chủ và khách, giữa những người lâu không gặp hoặc mới gặp gỡ lần đầu. Kèm theo cốc trà đá ở căng-tin thường là đĩa hạt hướng dương, hạt dưa xinh xắn, rất phù hợp với sở thích và túi tiền của sinh viên nghèo tỉnh lẻ.
Ra khỏi căng tin, đến cổng, lại bắt gặp những hàng trà đá túm tụm. Người ta ngồi đó uống trà để đợi nhau, tìm nhau. Quán trà đá cũng có thể là nơi tụ tập của các bác xe ôm ngồi nhâm nhi chờ bắt khách. Rồi chẳng cần những khu tập trung đông sinh viên, học sinh, dọc các con đường lớn, nhỏ, cứ nơi nào có vỉa hè, có ngã ba ngã tư, là lại thấy xúm xít những quán trà đá vỉa hè. Ở những nơi như bến xe khách, nhà chờ xe buýt, các quán trà đá càng nhiều hơn, luôn là tâm điểm của sự nhộn nhịp. Người lạ, người quen, người ngày nào cũng góp mặt ở đó, người là khách của Thủ đô mới đến lần đầu, tất cả đều gặp nhau ở những quán trà đá đơn giản, thân thương như thế. Thông thường, với những quán trà đá kiểu này, ngoài hạt hướng dương, chủ quán thường bày biện thêm món kẹo lạc và thuốc lào dành cho khách nam giới, trung niên. Cắn miếng kẹo lạc, rồi ngụm một hớp trà đá, sau đó vừa nhai, vừa nuốt, để cái vị ngọt sắc của kẹo hòa cùng vị chát chát, thanh mát của trà đá, còn gì tuyệt vời hơn???Hồi trước, tôi và một cậu bạn thân thường xuyên lấy quán trà đá buổi đêm khu vực gần cổng chợ Long Biên làm nơi tụ tập. Khi đó chúng tôi đều đã đi làm, kinh tế không khó khăn đến mức tằn tiện từng ly cà phê. Chúng tôi vẫn uống cà phê, nhưng không hiểu sao khi muốn gặp nhau, thì địa điểm lại là quán trà đá. Lúc gặp nhau, thường phố đã về khuya, hầu hết người dân thị thành chìm trong giấc ngủ. Chỉ có những người lao động đêm ở chợ Long Biên và một số ít người có việc bất đắc dĩ là còn thức. Khác với ban ngày, đêm Hà Nội yên bình, dịu dàng đến lạ thường. Không còn những cảnh còi xe tấp nập, giục giã, không có những bụi bặm, bon chen. Tất cả đều lắng đọng, nhẹ nhàng, như tiếng thở của thiếu nữ sau một ngày làm việc, cần giấc ngủ sâu để ngày mai dậy sớm bắt đầu một ngày mới lo toan bộn bề. Lúc đó, cốc trà đá như cũng khác biệt hơn. Uống vào người, không phải để thỏa cơn khát, mà để thấy lòng mình dịu xuống, những lo toan cuộc sống tan đi.Trong số những nghề buôn bán hợp pháp, trà đá có lẽ là thứ nghề người ta bỏ ít vốn mà lãi lại cao nhất. Chỉ cần túi trà "bồm", hàng bình dân, chiếc ấm pha trà loại to, vài phích nước, chiếc thùng đựng đá, ít cốc nhựa hoặc thủy tinh, chục chiếc ghế nhựa con con loại thấp, có thể xếp chồng vào nhau, thêm vài thứ lặt vặt khác, là đã có thể ngồi phục vụ khách. Vốn ít, chi phí chỉ vài chục ngàn cả tiền trà và đá, nhưng một buổi tối, chủ quán có thể thu về vài trăm ngàn đồng. Nếu bán thêm nhiều thứ khác, số tiền lãi còn nhiều hơn.Trà đá vỉa hè Hà Nội giờ vẫn nhiều, vẫn là nét sinh hoạt đô thị thân quen không thể thiếu của người dân. Nó vừa là thói quen, vừa là công cụ mưu sinh của không ít người, già có, trẻ có, phụ nữ có, nam giới có, thậm chí cả sinh viên ngoại tỉnh làm thêm cũng có. Dù không còn nghiện món trà đá như trước, song, hầu như tuần nào, tôi cũng phải làm vài cốc trà đá vỉa hè. Khi đi xa Hà Nội, đến những nơi không có nét văn hóa này, khi về, điều đầu tiên tôi là tôi phải tìm quán nào đó để tự thưởng cho mình cốc trà đá. Lúc đó, uống một hơi thật dài, chẹp miệng một cái, như để thỏa nỗi nhớ, như để thấy rằng, mình ngày càng yêu mảnh đất này hơn.