Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả lại tàu vỏ thép: Ngư dân nói gì?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai chiếc tàu cá vỏ thép, một của ngư dân Đà Nẵng, một của ngư dân Quảng Ngãi, trả lại cho đơn vị đóng tàu không phải là tàu vỏ thép được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ngư dân khẳng định vẫn muốn tiếp tục sử dụng tàu vỏ thép để ra khơi sau khi tàu được điều chỉnh lại thiết kế.

PV Báo điện tử Chính phủ thường trú khu vực miền Trung đã tìm hiểu thông tin một số phương tiện truyền thông gần đây nói về việc “ngư dân trả tàu cá” để rõ thực hư.

Sau một thời gian ngắn vươn khơi, chủ tàu Sang Fish 01 (Đà Nẵng) và tàu Hoàng Anh 01 (Quảng Ngãi), hai trong số những tàu cá vỏ thép đầu tiên của cả nước, đã quyết định trả tàu cho đơn vị đóng tàu.

Anh Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng), chủ tàu cá vỏ thép Sang Fish 01 công suất 750 CV, cho biết ngày hôm nay (2/4), anh giao lại con tàu này cho đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) sau gần 2 năm hạ thủy.
Tàu Sang Fish 01 của ngư dân Lê Văn Sang. Ảnh: VGP/Thế Phong
Tàu Sang Fish 01 của ngư dân Lê Văn Sang. Ảnh: VGP/Thế Phong
Theo anh Sang, tàu Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 là hai tàu cá vỏ thép mẫu đầu tiên do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đóng và cho ngư dân thuê lại từ 5-7 năm, chứ không phải tàu vỏ thép thuộc Nghị định 67 của Chính phủ như một số phương tiện truyền thông đã nêu.

Các tàu này được bàn giao cho ngư dân từ giữa năm 2014, hành nghề lưới vây kết hợp dịch vụ hậu cần, từng được kỳ vọng sẽ làm chủ biển khơi. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, hai con tàu này nhiều lần gặp sự cố. Riêng tàu Sang Fish 01 ngay trong chuyến khai thác đầu tiên đã gặp sự cố gãy tời khiến đội tàu bị mất một số ngư cụ (lưới).

Sau 10 chuyến biển, tàu Sang Fish 01 đã 4 lần gặp sự cố và hư hỏng (chủ yếu là hỏng tời, máy chính mất tải, tàu lắc mạnh). Trong 6 chuyến còn lại, tàu cho doanh thu 2,2 tỉ đồng, lợi nhuận 800 triệu đồng nhưng chi phí để sửa chữa các hư hỏng lại lên đến 900 triệu đồng.

Anh Sang cho biết nguyên nhân chính dẫn đến các hư hỏng kể trên là do con tàu bị lỗi thiết kế, tàu dùng máy cũ nên máy hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, boong và cabin tàu thiết kế không phù hợp (to hơn so với thân tàu) nên khi gặp sóng gió hơi mạnh là tàu bị rung lắc, không thể đánh bắt được.

Trường hợp tương tự, từ giữa năm 2015, ông Mai Thành Văn (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu cá Hoàng Anh 01 cũng đã quyết định trả lại tàu cho đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang. Trong 5 chuyến con tàu này ra khơi, có đến 3 chuyến tàu bị hỏng hóc, lúc thì hư tời, khi thì hỏng máy.

“Chúng tôi quyết định bàn giao lại tàu là để đơn vị đóng tàu sửa chữa, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Cụ thể là cắt bớt cabin, giảm độ cao và làm thêm vai nhằm hạn chế rung lắc, bố trí lại boong tàu, thay máy mới, bổ sung máy dò ngang (máy dò cá), máy làm nước đá, máy phát điện”, anh Sang cho hay.

Ngư dân Lê Văn Sang khẳng định sau khi sửa chữa, điều chỉnh thiết kế hoàn thành, anh muốn tiếp tục sử dụng con tàu vỏ thép này để ra khơi. Bởi thực tế sau 10 chuyến biển, trừ 4 chuyến bị sự cố, 6 chuyến còn lại khá hiệu quả khi cho doanh thu 2,2 tỉ đồng.

“Hành nghề trên tàu vỏ thép cảm thấy an tâm, an toàn, mang được lượng ngư cụ gấp đôi tàu gỗ, lợi nhiên liệu, bảo quản nguyên liệu tốt hơn…”, anh Sang đánh giá.

Bên cạnh đó, việc có thời gian dài trải nghiệm cùng con tàu vỏ thép Sang Fish 01 trên biển đã giúp anh em rút ra được nhiều kinh nghiệm để sẵn sàng tiếp quản những con tàu vỏ thép lớn hơn, được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Được biết, hiện anh Lê Văn Sang đang đóng con tàu vỏ thép Sang Fish 05, trị giá 21 tỉ đồng từ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ. Con tàu này đang được đóng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang.

Tàu Sang Fish 05 được thiết kế hiện đại và phù hợp hơn với kinh nghiệm của ngư dân. Dự kiến trong tháng 6 tới, tàu Sang Fish 05 sẽ hạ thủy.