Mới đây, nhân dịp UBND tỉnh Nghệ An đã hoàn tất hồ sơ đề nghị nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929-1990) Nhà xuất bản Văn học đã cho ra mắt “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả.”
Hiện tượng sân khấu
Tác phẩm gồm 8 sáng tác của ông Nguyễn Trung Phong, một người con của đất Diễn Châu, Nghệ An và 29 bài viết của các nhà lý luận sân khấu, quản lý văn hóa, nhạc sĩ, nhà báo, nghệ sĩ về quãng đời 40 năm hoạt động nghệ thuật của ông Nguyễn Trung Phong. Được biết nhà báo Nguyễn Minh Đức, nhà thơ Nguyễn Trung Hợi là cháu con trong nhà đã mất hơn 2 năm dày công tìm kiếm, sưu tầm và tuyển chọn trong hơn 30 tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.
Năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã hoàn tất hồ sơ đề nghị nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929-1990). Ảnh GĐ cung cấp |
Điều khá ngạc nhiên nếu như vở chèo nổi tiếng Cô gái Sông Lam được nhiều người nhắc đến thì làn điệu Giận mà thương lại không ít người nhầm tưởng là dân ca cổ. Tại buổi giới thiệu sách, NSND Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhớ lại: “Năm 1962, ngay Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên của miền Bắc khi đó còn gọi là Hội diễn chống My, cứu nước thì vở chèo Cô gái Sông Lam đã gây tiếng vang khi giành được 3 HCV, 4 HCB. Điều đặc biệt là chèo vốn không phải là thế mạnh của Nghệ An nhưng tác giả Nguyễn Trung Phong lại làm được điều phi thường này khiến tiếng tăm ông nổi lên trong làng sân khấu hồi bấy giờ”.
Trong lễ giới thiệu sách nhà báo Nguyễn Minh Đức lại nói đến tấm huy hiệu của Người, do đích thân Bác Hồ tặng các nghệ sĩ đoàn chèo Nghệ An trong đêm biểu diễn 27/5/1962 tại Phủ Chủ tịch nhân dịp sinh nhật Bác. Một phần thưởng vô giá mà nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong và các nghệ sĩ xứ Nghệ vinh dự có được trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Vở chèo Cô gái Sông Lam sau này đã phát triển thành ca kịch, thậm chí cả kịch nói và vân được công chúng đón nhận với nhiều triết lý sống cùng năm tháng.
Điệu ví sống mãi trong lòng người dân
Làn điệu Giận mà thương, vốn là một trích đoạn trong vở kịch dân ca Khi ban đội đi vắng của Nguyễn Trung Phong lại không nhiều người biết đến. Bài ví Giận mà thương thành công tới mức một thời gian dài nó được coi như dân ca cổ (không biết tác giả). Đây nỗi niềm tâm sự, phân trần, thanh minh của người vợ với người chồng của mình trong vở kịch, một chủ nhiệm HTX.
Một câu chuyện hoàn toàn có thật, nhà báo Nguyễn Minh Đức đã nghe chính người bác ruột Nguyễn Trung Phong kể lại hoàn cảnh ra đời. Khi đó ông chủ nhiệm HTX tại địa phương vốn cũng là người nhà đã ngược sông Lam lên chợ Lường (Đô Lương) để buôn lậu chè xanh, mặc hàng lúc đó thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Nên mới có chuyện có nhiều ca sĩ không sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ đã hát nhầm “ngược đường” trong đoán “Chính thương anh, em bàn với mẹ/Phải ngăn anh đi chuyến ngược Lường”.
Bấy giờ Nghệ An có phong trào cải biên, phát triển và thể nghiệm dân ca. Những bài hát cải biên, phát triển thể nghiệm dân ca này được quần chúng ưa thích và được gọi là các làn điệu dân ca mới. Ông Nguyễn Trung Phong, Phó trưởng Ty Văn hóa Nghệ An lúc đó là một trong người tiên phong. Ông và nhà thơ Trần Hữu Thung là những người say sưa sưu tầm với việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu để thể hiện những đề tài hiện đại.
Đến nay, Giận mà thương đã có hàng trăm phiên bản khác nhau. Ảnh AT |
Khoảng đầu năm 1969, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, lúc đó là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đi công tác vào tuyến lửa. Trong chuyến đi, ông đã nhiều lần nghe bà con hát bài Giận mà thương, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tưởng là một làn điệu dân ca nguyên gốc.
Tháng 9-1969, Bác Hồ của chúng ta ra đi. Nhân dân đau thương vô hạn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã kịp thời đưa ra bài Trồng cây lại nhớ đến Người. Nhạc sĩ đa tự chép tay rồi gởi ngay cho tỉnh Nghệ An bài đó. Ông Võ Thúc Đồng, lúc bấy giờ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đã viết thư cảm ơn Đỗ Nhuận về tình cảm đối với Bác Hồ, với dân tộc.
Ca sĩ Song Thao là người đầu tiên hát thành công bài đó ở trong nước và ngoài nước. Khi biết tin bài Giận mà thương là của Nguyễn Trung Phong, nhạc sĩ Đỗ Nhuận gởi tặng ông Nguyễn Trung Phong một cuốn lịch tay, bìa ni lông. Tờ đầu cuốn lịch tự tay Đỗ Nhuận viết: "Thân tặng anh Nguyễn Trung Phong - người bạn cộng tác tình cờ".
Đến nay, Giận mà thương đã có hàng trăm phiên bản khác nhau và không chỉ ca sĩ Thu Huyền (Báo Kinh tế và Đô thị), người thể hiện ca khúc trong buổi giới thiệu tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” và TS Nguyễn Anh Vũ người tham gia biên soạn cuốn sách nhầm lẫn về tác giả của ca khúc.
Khá nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu có mặt trong buổi giới thiệu sách đề nghị cần có sự quảng báo nhiều hơn nữa về cuộc đời và những sáng tác của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, người có công hình thành và phát triển Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.