Trả lại ý nghĩa vốn có của bánh Trung thu

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù gần nửa tháng nữa mới đến Tết Trung thu, ngay từ những ngày đầu tháng Tám lịch trăng, thậm chí là từ nửa cuối tháng Vu Lan, những quầy bánh Trung thu đã mọc lên san sát khắp phố phường Hà Nội.

Như vậy cũng có nghĩa là việc sản xuất, lưu thông và sử dụng loại bánh vốn chỉ được dùng trong ngày Rằm tháng Tám với mâm cỗ trông trăng đã diễn ra từ non tháng trước đó.

Câu hỏi đặt ra là vì sao lại như vậy? Phải chăng mục đích sử dụng, ý nghĩa của loại bánh này đã thay đổi. Từ bao đời nay Tết Trung thu là dành cho trẻ em. Những món quà Trung thu thường là đầu sư tử nho nhỏ, chiếc đèn ông sao, đèn con thỏ, những con giống nặn bằng bột đủ màu sắc…

Bánh Trung thu, gồm bánh nướng, bánh dẻo, cũng chủ yếu để trẻ em bày cỗ cùng trái bưởi vàng ươm, quả hồng đỏ mọng… Có nữa chăng là con cái, bề dưới trong gia đình, dòng họ biếu bánh ông bà cha mẹ tỏ lòng hiếu đễ.

Nghĩa là cái bánh Trung thu có ý nghĩa thuần túy, rất trong trẻo. Giờ thì đã khác. Với những mục đích khác xưa, nên chiếc bánh cũng được biến tấu khác xưa. Để nâng cao độ quý hiếm, sang trọng, nhà sản xuất đắp đủ các thứ nguyên liệu đắt tiền, kể cả vàng dát vào chiếc bánh Trung thu và tất nhiên giá bánh cũng tăng cao chót vót biến chiếc bánh Trung thu vốn dân dã, giản dị thành một thứ vật phẩm xa xỉ.

Gần chục năm nay, cứ đến mùa Trung thu là các nhà hàng, khách sạn có tiếng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lại vào cuộc chạy đua đưa ra thị trường các sản phẩm bánh Trung thu cao cấp, có giá cao, thậm chí rất cao. Thấp nhất cũng phải ngót triệu bạc một hộp bánh. Cao thì vô kể, có hộp bánh lên tới hơn chục triệu đồng với hình thức cầu kỳ, bắt mắt, những tên gọi kêu như chuông.

Bánh Trung thu đang biến tướng từ một sản phẩm dân gian truyền thống thành những món quà biếu đắt tiền là một thực tế. Và ai dám chắc, những chiếc bánh chứa những nguyên liệu thượng hạng mà xa lạ với truyền thống ẩm thực cùng bánh Trung thu truyền thống Việt Nam như tôm hùm Alaska, bào ngư, vi cá, cua Canada, sò điệp Nhật Bản… thậm chí được phủ một lớp vàng 24k, không là căn nguyên của tệ tham nhũng và lãng phí?

Không phải ngẫu nhiên mà cách đây mấy năm tại nước láng giềng Trung Quốc nơi đang diễn ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia nước này đã ra thông báo về việc sẽ thanh tra, xử phạt các DN, nhà hàng, khách sạn và nền tảng thương mại điện tử sản xuất hoặc bán bánh Trung thu với “giá trên trời”.

Theo đó, bánh không được đặt trong hộp làm bằng kim loại quý, gỗ lim hay các vật liệu đắt tiền khác, trong hộp cũng không được đặt kèm mặt hàng khác. Đơn vị sản xuất bánh Trung thu không được sử dụng nguyên liệu đắt tiền như vi cá mập, yến sào làm nhân. Chính quyền sẽ tiến hành khảo sát giá cả nếu có bất kỳ hộp bánh nào được bán với giá trên 500 tệ (khoảng 74 USD).

Điều đáng nói là trong khi trên thị trường xuất hiện những dòng bánh Trung thu xa xỉ, thì vẫn còn đó những chiếc bánh Trung thu truyền thống với giá cả phải chăng, hợp với túi tiền và nhu cầu của đại đa số người dân.

Và ai có thể khẳng định những chiếc bánh Trung thu truyền thống với hương vị cùng hình thức mang đậm bản sắc Việt Nam lại không được trân trọng như một món quà đậm chất văn hóa, kể cả với những đối tác nước ngoài?

Công bằng mà nói, có cung thì mới có cầu. Nếu mỗi người, từ cán bộ, công chức, đến mỗi người dân, từ các cơ quan nhà nước đến các DN, gia đình… có ý thức trân trọng, gìn giữ nét đẹp truyền thống của Tết Trung thu nói chung và bánh Trung thu Việt Nam nói riêng, chắc rằng những chiếc bánh Trung thu xa xỉ cũng sẽ dần vắng bóng, và bánh Trung thu sẽ được trả lại cả hương vị lẫn ý nghĩa truyền thống của nó.

Đó cũng có thể coi là một cách góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc vậy.