Trả tiền cho người cung cấp thông tin để phạt nguội: Không thể tùy tiện

Thế Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục CSGT vừa đề xuất ý tưởng khuyến khích người dân chụp ảnh, ghi hình lại vi phạm giao thông, cung cấp cho cơ quan chức năng làm căn cứ phạt nguội. Người ghi nhận sẽ được trả một phần từ tiền phạt nếu xử lý được. Tuy nhiên, ý tưởng này khiến không ít người băn khoăn.

Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội
Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội

Vi phạm giao thông là chuyện cơm bữa ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ đường lớn đến ngõ nhỏ. Mỗi năm, có đến hàng triệu trường hợp bị xử phạt, trong đó không ít người tái vi phạm. Thực tế đó cho thấy, công tác xử phạt vi phạm giao thông còn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã lắp đặt camera, ghi hình để phạt nguội vi phạm giao thông. Hình thức này đã tác động không nhỏ đến ý thức của người tham gia giao thông. Mới đây, Cục CSGT đã đưa ra đề xuất táo bạo, trích một phần từ tiền phạt thu được để trả cho người dân ghi hình, chụp ảnh làm căn cứ xử phạt nguội vi phạm giao thông. Ý tưởng này đang gây nhiều tranh cãi.

Có người cho rằng, việc thiếu lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đang gây khó khăn cho CSGT trong xử phạt vi phạm. Nếu huy động được toàn dân cùng tham gia phát hiện, xử lý vi phạm sẽ tạo hiệu ứng tốt, giúp hạn chế vi phạm và công tác xử phạt cũng hiệu quả hơn. Việc trích một phần tiền phạt để khuyến khích người dân cùng tham gia giám sát hoạt động giao thông là biện pháp động viên thiết thực để mỗi cá nhân bớt đi sự thờ ơ, mạnh dạn hơn trong lên án, chấn chỉnh vi phạm.

Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, biện pháp này khó khả thi. Bởi lẽ, ngay cả thiết bị mà lực lượng CSGT sử dụng để ghi hình phạt nguội trên đường, đôi khi còn gây tranh cãi, bị người vi phạm phản ứng. Vậy những thiết bị cá nhân của người dân liệu có đủ điều kiện để ghi lại những hình ảnh được pháp luật và cả người vi phạm công nhận (?).

Mặt khác, vấn đề khiến người dân lo lắng nhất khi cung cấp hình ảnh vi phạm cho lực lượng chức năng là tính bảo mật thông tin cá nhân. Nếu bảo mật không tốt, người ghi nhận vi phạm có thể bị trả đũa, hệ luỵ lớn hơn số tiền được nhận rất nhiều, thậm chí còn ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình. Trong khi đó, nguồn tài chính thu được từ vi phạm giao thông có thể sử dụng để đầu tư cho lực lượng chức năng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại hơn, an toàn và bền bỉ hơn nếu phân bổ hợp lý.

Có ý kiến cho rằng, nếu trích một khoản phần trăm đủ nhiều từ xử phạt vi phạm để trả thêm tiền công cho CSGT, thanh tra GTVT, cảnh sát trật tự… sẽ đủ động lực để lực lượng chức năng nâng cao hiệu suất xử lý vi phạm, góp phần dẹp bỏ vấn nạn xin - cho. Phần còn lại từ số tiền thu được qua xử phạt vi phạm giao thông nên sử dụng hết để đầu tư nâng cấp hệ thống camera giám sát, thiết bị kỹ thuật nhằm phát hiện vi phạm giao thông trên đường phố.

Việc trả tiền cho hình ảnh ghi nhận vi phạm giao thông đã được áp dụng ở một số nơi trên thế giới. Nhưng khi áp dụng vào Việt Nam cần phải rất thận trọng, nghiên cứu kỹ, tính toán tới cả yếu tố về ứng xử, văn hoá đặc thù của người Việt. Nếu ý tưởng này được chấp thuận, lại cần phải xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, chi tiết để làm cho người dân tâm phục, khẩu phục, cũng như đảm bảo an toàn cho người cung cấp thông tin trước khi đưa vào áp dụng.

Có thể nói, việc phát động toàn dân cùng tham gia phát hiện, xử lý vi phạm giao thông là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, lựa chọn biện pháp nào cho phù hợp lại không thể khinh suất và tuỳ tiện.