Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trà Vinh trong “cuộc chiến chống giặc” Covid-19

HỒNG LĨNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp trực tuyến sáng 11/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá công tác phòng, chống dịch tuần qua có những diễn biến tích cực. Nhiều địa phương đã được nêu danh, trong đó có tỉnh Trà Vinh. Đâu là thành công bước đầu của Trà Vinh trong “cuộc chiến chống giặc” Covid-19?

Xử lý nghiêm, kể cả cán bộ
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn, UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo quyết liệt, bám sát địa bàn, nhất là những nơi phát hiện dịch bệnh. Tỉnh Trà Vinh yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, không để tình trạng lỏng lẻo trong thực hiện. Các nội dung việc giãn cách phải được thực hiện một cách nghiêm túc, khắc phục được những hạn chế đã qua. Người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi để xảy ra các hành vi vi phạm. Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả nhất, tỉnh cũng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các qui định về phòng chống dịch bệnh. Một số đối tượng đã bị khởi tố vì không khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. 
 Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ông Lê Văn Hẳn (ngoài cùng bên phải).
Cụ thể, Ngày 14/7, Công an huyện Tiểu Cần đã khởi tố vụ án hình sự làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nam thanh niên tên H. trong vụ án này đã khai báo y tế gian dối, bị dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng khai âm tính và gây lây lan dịch bệnh cho người khác. Tiếp đó, ngày 15/7, Công an huyện Cầu Ngang khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xảy ra tại xã Hiệp Mỹ Đông.
Ngày 4/7, vợ chồng V.T.B.H. làm nghề mua, bán thủy sản di chuyển từ chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) về Trà Vinh. Hai vợ chồng này trở về địa phương nhưng không khai báo y tế. Cả hai đã tiếp xúc với người thân trong gia đình và bạn hàng thu mua tôm ở nhiều nơi. Trong khi gười vợ mắc Covid-19, làm 34 trường hợp F1 và 177 F2.
Trong những tháng “chiến đấu” căng thẳng với dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh đã mổ xẻ nguyên nhân và nhận định: Tình hình dịch Covid-19 ở Trà Vinh đang diễn biến rất phức phạp với số ca mắc bệnh liên tục tăng. Ngoài nguyên nhân khách quan, còn có sự chủ quan, lơ là thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức và người đứng đầu ở các cơ quan đơn vị nhất là cấp cơ sở. Và, ngay sau đó nhiều cán bộ, công chức đã bị xử lý kỷ luật. 
Theo đó, vào đầu tháng 7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã yêu cầu: Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long và Tiểu Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về trách nhiệm người đứng đầu; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu Trung tâm Y tế huyện Càng Long, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các xã và các cá nhân. Đình chỉ công tác đối với các ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cầu Ngang, ông Nguyễn Văn Tiếp, Trạm trưởng và Lâm Ngọc Thứ, nhân viên Trạm Y tế xã Mỹ Hòa, do chậm trễ trong thực hiện công tác phòng, chống dịch…
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Chia sẻ về về công tác chỉ đạo, điều hành trong chống dịch Covid-19 với PV báo Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ông Lê Văn Hẳn cho biết: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động, linh hoạt, kịp thời xử lý các tình huống cụ thể xảy ra trên địa bàn; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Cocid-19 các cấp; thành lập và chỉ đạo thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp trên địa bàn tỉnh; thiết lập các vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch…
 Công tác kiểm tra việc đi lại của người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục cụ thể hóa linh hoạt, vận dụng các tình huống, triệt để thực hiện công tác giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ấp quản lý ấp, tổ dân cư quản lý tổ dân cư; thành lập các chốt kiểm tra, siết chặt kỷ cương theo phương châm giãn cách ấp với ấp, xã với xã, huyện với huyện; tăng cường đảm bảo thông tin liên lạc với nhân dân trong thời gian giãn cách, không để nhân dân thiếu đói, thiếu thuốc điều trị bệnh; tạo điều kiện thu hoạch nông sản, lưu thông hàng hóa, không để ách tắc; tăng cường công tác kiểm tra các khu cách ly, các vùng giãn cách xã hội…
Khan hiếm vaccine
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Trà Vinh cũng chia sẻ một số khó khăn như: Hiện tỉnh đang gặp khó khăn khi tìm nguồn cung ứng đối với một số thuốc điều trị Covid-19 theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế như: Thuốc kháng đông, dịch lọc máu liên tục, vật tư theo máy thở. Thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Hiện nay, lượng vaccine còn rất khan hiếm. Tỉ lệ người dân Trà Vinh được tiêm chủng chỉ mới đạt 14,2% dân số từ 18 tuổi trở lên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không còn vaccine, trong khi đó sắp tới yêu cầu phải tiêm mũi 2 cho khoảng 50.000 người, chưa kể đến để đáp ứng theo Kế hoạch đủ vaccine đến cuối năm tiêm cho 50% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Trong khi đó, đời sống của một bộ phận người dân khó khăn sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; một số lĩnh vực sản xuất bị gián đoạn ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vấn đề việc làm, thu nhập giảm sâu, khả năng phục hồi chậm…
Vấn đề nữa, trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Do tỉnh tạm dừng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chính sách như tạm hoãn hợp đồng không hưởng lương, ngừng việc, vay vốn… còn chậm; do giãn cách xã hội, một số người lao động chưa thể đến doanh nghiệp ký thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, để hưởng chế độ; số lao động tự do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covd-19 phát sinh thêm nhiều nằm ngoài quy định kế hoạch của UBND tỉnh…