Kinhtedothi - Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch là một trong những ưu tiên chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, nhất là năm 2014 được TP chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị". Do đó, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện nếp sống văn minh, đòi hỏi có sự chung tay, góp sức của cả người dân và chính quyền địa phương.
Cán bộ gương mẫu, đi đầu
Trên thực tế, việc thực hiện nếp sống văn minh tuy mang lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội nhưng lại là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, bởi để thay đổi tâm lý, phong tục tập quán đã ăn sâu từ nhiều thế hệ không phải chuyện một sớm một chiều. Bởi vậy, vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ ở cơ sở là vô cùng quan trọng. Câu chuyện thành công tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức là một điển hình chứng minh. Cụ thể, 4/5 đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã những năm qua đã thực hiện hỏa táng cho người thân qua đời. Thêm vào đó, xã còn yêu cầu cán bộ tư pháp và bộ phận một cửa có mặt hỗ trợ các gia đình hoàn thiện hồ sơ để làm hợp đồng hỏa táng kịp thời. Bản thân ông Nguyễn Đăng Hoan - Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở khi cưới con gái cũng chỉ làm gói gọn trong quy mô gia đình, không mời khách tràn lan. Mưa dần thấm lâu, do cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu nên người dân ngày càng đồng tình ủng hộ thực hiện việc cưới, việc tang văn minh.
Xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, từ năm 2011 đã xây dựng Quy chế về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, xã đã thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban và kiện toàn các ban vận động ở các cụm dân cư. Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã quán triệt sâu sắc đến các chi bộ và toàn thể cán bộ, đảng viên đầu tàu, gương mẫu trong việc thực hiện quy chế với phương châm "Cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Bên cạnh đó, trước khi trong thôn có gia đình nào có việc cưới, việc tang và mừng thọ, các thành viên trong ban vận động của thôn đến tận nhà để tuyên truyền, vận động thực hiện theo quy chế. Nhờ đó, đến nay, 100% đám cưới trên địa bàn xã được tổ chức gói gọn trong một ngày và đám tang đã xóa bỏ hẳn các hủ tục lạc hậu.
Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho rằng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên là một trong những yếu tố quyết định thành công trong thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy. Cụ thể, huyện yêu cầu cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên gương mẫu chấp hành tốt việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và kiểm điểm, phê bình những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu. Đặc biệt, huyện quy định lấy tiêu chí về thực hiện nếp sống văn minh để đánh giá về gia đình văn hóa, làng văn hóa và phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm ở cơ sở. Cũng theo ông Hoàn, để việc thực hiện nếp sống văn minh ngày càng đi vào chiều sâu, phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình 04 từ nay đến năm 2015. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện, gắn với "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, quan tâm tới quy hoạch không gian văn hóa ở cơ sở và chú trọng rà soát, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, sân chơi thể thao... ở các thôn, cụm dân cư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Nhân rộng những cách làm hay
Ngoài sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ý thức thực hiện của đông đảo người dân góp phần rất quan trọng hình thành nếp sống văn minh ở cơ sở. Trong quá trình thực hiện, cần phát huy tốt vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị để tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của người dân. Song song với đó, nhân rộng những gương điển hình, cách làm hay để Chương trình 04 thực sự lan tỏa rộng rãi trong đời sống nông thôn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa, trong đó vận dụng tối đa hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh và thường xuyên lồng ghép tuyên truyền các nội dung này tại các cuộc họp xã, thôn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình 04 và duy trì chế độ giao ban, đánh giá tình hình thực hiện trên địa bàn để có hướng tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội phải tập trung vào chất lượng, khắc phục những biểu hiện có tính hình thức, chạy theo số lượng.
Lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, cần lấy gia đình làm nền tảng, lấy cộng đồng dân cư, đơn vị hành chính làm cơ sở để xây dựng môi trường văn hóa, trong đó kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa gia đình truyền thống gắn với những yêu cầu của nếp sống gia đình thời kỳ mới. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Lai Bình chia sẻ, các địa phương cần duy trì các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các mô hình điểm câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình nhằm thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn.
Hiện nay, một cách làm hay trong việc vận động người dân thực hiện nếp sống mới ở nhiều địa phương là tổ chức bàn bạc dân chủ, công khai và đưa các tiêu chí này vào quy ước, hương ước thôn, xóm. Đơn cử, tại xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, tất cả 6/6 thôn, làng đều đưa Quy ước xây dựng nếp sống văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hoạt động tín ngưỡng vào Quy ước nông thôn mới của từng thôn, làng. Các quy ước được xây dựng cụ thể theo từng đầu mục với những quy định cụ thể, từ diện tích, chiều cao mộ phần đến yêu cầu mở băng, đĩa nhạc trong đám cưới không dùng loa quá 25W... Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cũng có cách làm sáng tạo là đưa việc chăm sóc, bảo vệ rừng vào hương ước của làng, xã. Trong đó, quy định: Nếu bất kỳ gia đình nào có người có hành vi vi phạm làm tổn hại rừng, ngoài không được xét gia đình văn hóa, còn không được phép bốc thăm phiếu mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ trong quần thể di tích, thắng cảnh Hương Sơn vào mùa lễ hội chùa Hương. Ông Đào Văn Hùng - Trưởng thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn cho biết, nhờ quyết liệt trong chỉ đạo, nghiêm túc thực hiện mà nhiều năm qua, trên địa bàn xã Hương Sơn không xảy ra hiện tượng chặt phá hay lấn chiếm diện tích rừng đặc dụng. Điều quan trọng hơn là quy ước này đã góp phần không nhỏ vào nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong kinh doanh dịch vụ mùa lễ hội...
Hy vọng với những giải pháp mạnh mẽ, kịp thời cùng với sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện nếp sống văn minh theo Chương trình 04 của Thành ủy trên địa bàn TP sẽ đạt được mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.q Nhờ quyết tâm tổ chức văn minh của xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), lễ hội chùa Hương ngày càng thu hút nhiều du khách.
Nhờ quyết tâm tổ chức văn minh của xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), lễ hội chùa Hương ngày càng thu hút nhiều du khách
|