Trái đất sẽ ghi nhận mức nhiệt kỷ lục mới trong 5 năm tới

Ly Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trái đất sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng khí hậu quan trọng là 1,5 độ C, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh lương thực, nước và môi trường của nhân loại.

Nhiệt độ đại dương ở Thái Bình Dương nóng lên do hiện tượng El Niño mạnh vào tháng 1 năm 2016. Ảnh: CNN
Nhiệt độ đại dương ở Thái Bình Dương nóng lên do hiện tượng El Niño mạnh vào tháng 1 năm 2016. Ảnh: CNN

Trong bản cập nhật khí hậu hàng năm, WMO cho biết trong khoảng năm 2023 đến 2027, nhiệt độ hành tinh sẽ có lúc tăng trên mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đáng báo động, khả năng 5 năm tới sẽ có thời điểm nóng chưa từng có.

Nhiệt độ toàn cầu đã tăng vọt trong những năm gần đây khi con người tiếp tục tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và tạo ra khí nhà kính. Nhiệt độ tăng đã phá hủy hàng loạt rạn san hô và khiến băng tan, dẫn đến mực nước biển dâng cao, tàn phá cộng đồng ven biển.

WMO cho biết tám năm qua đã ghi nhận nhiệt độ tăng cao chưa từng có, gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, hỏa hoạn, lũ lụt, các đợt nắng nóng kỷ lục và nhiều vấn đề liên quan đến sự nóng lên toàn cầu. Mặc dù nhiệt độ đã giảm nhờ hiệu ứng làm mát của mô hình thời tiết La Niña, sự xuất hiện của El Niño sẽ là yếu tố chính đẩy nhiệt độ lên cao hơn trong vài năm tới.

Hồ Mead gần Las Vegas, Nevada, đã khô cạn sau nhiều năm hạn hán. Ảnh: CNN
Hồ Mead gần Las Vegas, Nevada, đã khô cạn sau nhiều năm hạn hán. Ảnh: CNN

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng thế giới cần duy trì nhiệt độ trong khoảng 1,5 độ C để tránh những thay đổi thảm khốc.

Năm nay, hàng loạt kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ trên khắp thế giới. Vào tháng 3, nhiều vùng của Argentina, nhiệt độ đã tăng tới 10 độ C, trong khi vào tháng 4, nhiệt độ cao đã bao trùm khắp châu Á và Tây Bắc Thái Bình Dương. Riêng tại Mỹ, 13 triệu người có thể buộc phải di dời do mực nước biển dâng vào cuối thế kỷ này. Hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ có thể giúp 420 triệu người tránh tiếp xúc với sóng nhiệt khắc nghiệt.

Giải pháp giảm tăng nhiệt độ là ngừng đốt dầu, than và khí đốt, đồng thời thúc đẩy năng lượng sạch. Đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc họp vào cuối năm sẽ đánh giá tiến độ và đưa ra phương án hành động, nhằm giữ mức nóng lên trong phạm vi 1,5 độ.