Thị trường có dấu hiệu ấm trở lại
Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều những vụ việc lớn. Những lỗ hổng trong phát hành và phân phối trái phiếu riêng lẻ đã khiến nhà đầu tư mất lòng tin, kéo thị trường vốn này thêm ảm đạm.
Tuy nhiên, thời gian qua, những “nút thắt” đã dần được gỡ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (ngày 5/3/2023) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế. Cùng với đó là những động thái tích cực từ phía các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần hồi phục.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 5/5, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 31,7 nghìn tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng với giá trị 5,5 nghìn tỷ (chiếm 17% khối lượng phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 26,14 nghìn tỷ (chiếm 83% khối lượng phát hành). Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 49,5 nghìn tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo các chuyên gia VIS Rating, con số trên dù khiêm tốn so với cùng kỳ nhưng đã giúp thị trường phần nào lạc quan hơn. Luật Chứng khoán đang thay đổi, để việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng được thuận lợi. Trong trường hợp thuận lợi, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng sẽ được khai thông từ nửa sau năm 2023.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica nêu quan điểm: Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm tới nay có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian dài đóng băng. Những con số tích cực này, cho thấy những nỗ lực của cơ quan quản lý thông qua Nghị định 08 đã có những tác động thực tiễn đối với thị trường, khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, cũng như những điều kiện ngặt nghèo trước đây đã tạm thời được gỡ bỏ. Từ đó, hồi phục một phần cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ít nhất là trong những tháng đầu năm.
Áp lực đáo hạn hiện hữu
Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có những dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, nỗi lo đáo hạn trong quý 2 và đến cuối năm 2023 vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thông báo chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn vẫn ngày càng tăng. Điều này cho thấy, thị trường vốn này vẫn đứng trước rất nhiều những nỗi lo và áp lực.
Đến ngày 5/5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5/2023 là hơn 21.400 tỷ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (9.600 tỷ đồng); hàng tiêu dùng (3.700 tỷ đồng); nguyên vật liệu (2.900 tỷ đồng); ngân hàng (2.500 tỷ đồng)…
Trong kỳ báo cáo, có 8 công ty công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng gốc, lãi chậm trả được công bố là 1.200 tỷ đồng và 6 công ty công bố phương án tái cơ cấu, chủ yếu thông qua kéo dài kỳ hạn trái phiếu với kỳ hạn mới kéo dài thêm từ 3 tháng đến 24 tháng so với kỳ hạn ban đầu
Tính chung cả năm 2023, theo theo báo cáo của VNDirect, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232.600 tỷ đồng. Trong đó, quý II sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý I. Bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn.
Theo tổng hợp của Chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 24/4/2023, có khoảng 57 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này được các chuyên gia ước tính vào khoảng 152,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 13,9% dư nợ riêng lẻ toàn thị trường. Khoảng hơn 45,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính Vũ Hoàng Dương đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn một số yếu tố nội tại cần khắc phục về cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư. Có hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật doanh nghiệp để phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn; tính phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường tín dụng, trái phiếu, bất động sản ở mức cao, dẫn đến khi một thị trường gặp khó, sẽ kéo theo các thị trường khác. Vì vậy, cần thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư tổ chức, giảm nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Đưa ra dự báo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, các chuyên gia của VIS Rating cho biết, chu kỳ lạm phát toàn cầu và tại Việt nam sẽ có xu hướng kết thúc từ cuối năm 2023. Điều kiện cần cho sự gia tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là lãi suất tiền gửi ngân hàng và lãi suất phát hành thấp. Khi lạm phát nguội đi và tiếp theo là điều chỉnh giảm của lãi suất, điều kiện thuận lợi cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ xuất hiện.
Bên cạnh đó, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ gia tăng mạnh khi lượng trái phiếu đáo hạn trong hai năm 2023 và 2024 lên tới 679,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 49% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tại tháng 12/2022.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những trái phiếu phát hành vừa rồi có thể chỉ với mục đích tái cơ cấu nợ, chứ không phải các nhà phát hành mới và cũng không phải là đợt phát hành mới. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư riêng lẻ vẫn còn thấp. Do đó, để thị trường thực sự phục hồi và vực dậy, thì điều quan trọng nhất là cần củng cố niềm tin của thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư.