Trái phiếu doanh nghiệp: Siết cơ chế kiểm soát, minh bạch xếp hạng tín nhiệm

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi thị trường trái phiếu DN (TPDN) chưa hạ nhiệt, câu chuyện Tân Hoàng Minh vẫn nóng thì hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu vẫn được các DN phát hành.

Làm sao để hạn chế tối đa các rủi ro, để các trái chủ không phải trầy trật gõ hết cửa này đến cửa khác vẫn chưa đòi được tiền về khi DN vi phạm là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Hùng  
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Hùng  

“Hổng” quản lý, mù mờ thông tin

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng là 31.000 tỷ đồng. Thời gian qua, không thể phủ nhận vai trò của thị trường TPDN khi đây vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của thị trường này đang đặt nhà đầu tư trước rất nhiều rủi ro.

Vụ việc 9 lô trái phiếu bị hủy của Tân Hoàng Minh vẫn đang khiến các trái chủ “ngồi trên đống lửa” khi hành trình “đòi tiền mua trái phiếu vi phạm” vẫn bỏ ngỏ. Cuộc gặp của Tân Hoàng Minh với nhà đầu tư vào cuối tuần trước hay việc các trái chủ mang băng rôn tìm đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính để kêu cứu. Tuy nhiên để giải quyết vẫn phải chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, họ tin tưởng bỏ tiền mua TPDN là bởi vì có công ty kiểm toán xác nhận tình hình tài chính. Riêng với Tân Hoàng Minh, các lô trái phiếu của tập đoàn phát hành đã được đăng tin công khai, minh bạch trên trang thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội nên thu hút gần 7.000 nhà đầu tư bỏ vốn. Điều này cho thấy, rất nhiều lỗ hổng thị trường cần được điều chỉnh, hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Theo chuyên gia tài chính cao cấp của WB tại Việt Nam - ông Ketut Ariadi Kusuma, một trong những lỗ hổng lớn của thị trường TPDN Việt Nam là sự phân biệt chưa hiệu quả giữa thị trường công khai và thị trường phát hành riêng lẻ. Thị trường công khai là nơi trái phiếu đủ điều kiện được bán cho tất cả nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân hay nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trái phiếu phát hành trên thị trường này cần phải có tiêu chuẩn cao trong việc công bố thông tin và cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, trong trường hợp này là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngược lại, thị trường phát hành riêng lẻ là nơi trái phiếu chỉ được bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để phân tích thông tin và đưa ra quyết định đầu tư. Trong khi luật pháp và các quy định nhằm tách biệt hai thị trường này không chặt chẽ. Những người tham gia thị trường phát hành riêng lẻ tìm cách bán trái phiếu phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân, những người có thể không thực sự có đầy đủ kiến thức về lĩnh vực này. Khi đó, các nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp xúc với các sản phẩm không phù hợp với họ. Những nhà đầu tư bất chính tìm cách tận dụng sự thiếu hiểu biết của những người này để đạt được lợi nhuận cao hơn, gây ra nhiều rủi ro cho thị trường.

Ngoài ra, hạn chế khác trên thị trường TPDN Việt Nam là tính minh bạch nói chung chưa như kỳ vọng. Việc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường, do đó, thiếu sự giám sát đầy đủ giúp các nhà đầu tư đánh giá rủi ro của trái phiếu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, thực tế phát sinh những vi phạm trong phát hành TPDN riêng lẻ.

"Chúng tôi đã nhận diện được lỗ hổng trong các quy định pháp luật và đã có nhiều cảnh báo. Những động thái xử lý vừa qua của cơ quan chức năng là cần thiết để làm trong sạch thị trường, giúp đi vào nền nếp"- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Phía Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, thị trường TPDN riêng lẻ là thị trường cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN. “Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao. Việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu” - thông tin từ Bộ Tài chính khẳng định.

DN yếu kém hết cửa phát hành TPDN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ trên thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế theo hướng siết chặt một cách hợp lý.

Cụ thể, quản lý chặt các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các DN yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án. DN sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở Giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.

Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm: Phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, mục tiêu là phát triển thị trường trái phiếu DN theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các DN; trong đó, tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch; xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Góp ý về các sửa đổi nhằm phát triển, minh bạch thị trường TPDN, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để kiểm soát thị trường TPDN, Chính phủ nên tập trung vào các quy định công bố tài chính, kiểm toán định kỳ và đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm DN. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh, tạo điều kiện cho các tổ chức, DN tham gia xếp hạng để dẫn dắt cho thị trường.

 

Những vụ việc vừa qua, đặc biệt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu do che giấu thông tin đã bộc lộ bất cập, đặc biệt về cơ chế chính sách để bị lợi dụng. Đó là sự thiếu minh bạch thông tin, điều kiện phát hành lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, tỷ lệ an toàn tài chính, tiêu chí đánh giá xếp hạng... của DN phát hành và sự giám sát, kiểm tra, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan tổ chức liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả, quyết liệt.... Vẫn còn những khoảng trống pháp lý để quản lý, giám sát thị trường. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

 

 

Nhà đầu tư phải hiểu rõ quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Theo đó, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.

Thông tin từ Bộ Tài chính