Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Trái tim Việt muôn phương cùng hướng về nguồn cội

Tháng Ba âm lịch, trên dải đất hình chữ S và khắp năm châu bốn bể, triệu triệu người con đất Việt cùng hướng về một điểm hẹn linh thiêng: ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) – ngày nhắc nhớ ta về cội nguồn, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã thấm sâu vào máu thịt bao thế hệ.

Không cần lời kêu gọi, không cần những khẩu hiệu rầm rộ, mà bằng chính tiếng gọi âm thầm từ cõi lòng, người Việt ở mọi miền đất nước và ở khắp thế giới vẫn lặng lẽ mà mãnh liệt hướng về đất Tổ. Đó là cuộc hành hương của ký ức, của tâm linh, của tình yêu quê hương đất nước không bao giờ phai nhòa.

“Uống nước nhớ nguồn”

Trong một ngày giữa tháng Ba, nơi TP biển Đà Nẵng, chúng tôi gặp chị Lê Thị Thúy Nga, quê gốc ở vùng trung du Phú Thọ, nơi chị đã lớn lên trong tiếng trống hội Đền Hùng. Giờ đây, dù đang công tác tại Hãng Luật MKLaw, với công việc bận rộn và lịch trình dày đặc, nhưng ánh mắt chị vẫn sáng lên khi nhắc đến ngày Giỗ Tổ: “Với tôi, đó không chỉ là ngày lễ, mà là một lời hẹn. Lời hẹn với quê hương, với tổ tiên. Dù đi xa đến đâu, làm gì, mỗi dịp Giỗ Tổ, tôi đều mong được về quê, để được đứng trước cột đá thiêng Đền Hùng mà thắp nén nhang lòng, tự nhủ với chính mình: mình là con cháu Lạc Hồng”.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại di tích lịch sử - văn hóa chùa Đại Hùng ở phường Đầu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Văn Chương

Còn tại phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, đền Hồng Sơn – một di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia nơi đặt Ban thờ các vị vua Hùng có từ lâu đời, trải qua bao thăng trầm, nơi đây vẫn thường niên diễn ra lễ giỗ Hùng Vương vào dịp 10/3 Âm lịch. Đền Hồng Sơn trước đây là Võ Miếu Linh Từ, được xây dựng từ thời Nguyễn. Đây là ngôi đền duy nhất ở Vinh thờ long ngai, bài vị 18 vua Hùng tại cung Trung điện. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức quy mô cấp TP, không chỉ Nhân dân địa phương mà du khách thập phương cũng quan tâm, tham dự. Thông qua lễ giỗ thể hiện tâm thức của con cháu đời đời không bao giờ quên nguồn cội. Chia sẻ cảm xúc về dịp lễ lớn này của đất nước, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin TP Vinh Nguyễn Quang Vinh tự hào cho biết: “TP Vinh hàng năm luôn tổ chức Lễ Giỗ Tổ quy mô lớn, trang trọng và hết sức đặc biệt tại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Hồng Sơn. Hoạt động này đã trở thành nếp sống văn hóa bao đời nay của Nhân dân địa phương, mỗi dịp Giỗ Tổ lại quây quần về đây, tham gia Lễ Giỗ Tổ linh thiêng, ấm cúm với niềm tự hào về truyền thống cha ông, các bậc tiền bối của dân tộc...”.

Cũng trên dải đất miền Trung, tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), quần thể di tích lịch sử - văn hóa chùa Đại Hùng - Kinh đô Ngàn Hống có niên đại khoảng hơn 4.000 năm, vào dịp 10/3 Âm lịch cũng rộn ràng, náo nức cùng muôn triệu trái tim người con đất Việt tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ông Phạm Duy Ất ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chia sẻ, truyền rằng xưa kia nơi đây được coi là Kinh đô đầu tiên của nước Việt, tên lưu truyền là Việt Thường Thị - Kinh đô Ngàn Hống. Tại chốn linh thiêng này, Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và Quốc mẫu Thần Long đã hạ sinh Quốc tổ Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các vua Hùng. “Mặc dù Ngàn Hống không còn là kinh đô của đất nước nhưng với những dấu tích và truyền thuyết người xưa truyền lại Khu di tích lịch sử - văn hóa chùa Đại Hùng vẫn luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và vùng phụ cận. Chúng tôi luôn tự hào, hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng, linh thiêng với nhiều hoạt động ý nghĩa như: khởi trống, chiêng khai hội; lễ dâng hương, lễ tế dân gian, rước bài vị; dâng bánh chưng cúng tế các vua Hùng và sôi nổi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Giỗ Tổ Hùng Vương là truyền thống, nét đẹp văn hóa, thể hiện niềm thành kính, tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước. Tiếp tục khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi trái tim mang dòng máu con Lạc, cháu Hồng”- ông Phạm Duy Ất chia sẻ.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương có nhiều hoạt động tưởng niệm được tổ chức tại các địa điểm như Công viên Tao Đàn; các đền tưởng niệm vua Hùng. Người dân cùng nhau tụ hội, thắp hương, chia sẻ những câu chuyện về ông cha, tạo nên không khí thân mật và ấm áp. Trong thời gian này, các buổi hội thảo về lịch sử và văn hóa cũng được tổ chức, thu hút đông đảo người tham gia. Những hoạt động này không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa mà còn nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về trách nhiệm của họ đối với quê hương đất nước. Giới trẻ TP Hồ Chí Minh đặc biệt nhạy bén và năng động. Nhiều bạn trẻ đã chủ động tìm hiểu về truyền thống dân tộc thông qua các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương. Họ không chỉ tham gia tích cực mà còn sáng tạo ra nhiều hình thức truyền tải thông điệp về lòng yêu nước, như video clip, tranh ảnh hoặc các bài viết trên mạng xã hội… Điều này cho thấy rằng, dù sống trong thời đại 4.0, nhưng tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Các bạn trẻ không chỉ hiểu biết về cội nguồn dân tộc mà còn thể hiện lòng tự hào và trách nhiệm với tương lai của đất nước. Em Trương Thu Trang (16 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cho biết, mỗi năm vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, bọn em thường được nhà trường dành thời gian để ôn lại truyền thuyết và lịch sử của dân tộc, từ đó cảm nhận sâu sắc hơn về cội nguồn và giá trị văn hóa. Việc này không chỉ làm phong phú thêm kiến thức mà còn giúp kết nối giữa quá khứ và hiện tại. “Đối với em, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là dịp để suy ngẫm về những gì cha ông đã xây dựng và những thách thức mà họ đã vượt qua để bảo vệ Tổ quốc. Điều này không chỉ mang lại cho em cảm giác tự hào về nguồn cội mà còn nuôi dưỡng trong em lòng tự hào, ý thức phấn đấu để sau này lớn lên trở thành những người có ích cho xã hội” - Em Trương Thu Trang chia sẻ.

Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở TP Seattle, bang Washington (Mỹ). Ảnh: Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Seattle

Hòa trong không khí cả nước chuẩn bị cho Quốc lễ, chị Mai Hồng Loan (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ các vua Hùng: “Là biểu tượng cho lòng kiên cường, sức mạnh đoàn kết của dân tộc, ngày Giỗ Tổ luôn là dịp nhắc nhở chúng ta rằng, dù có ở đâu cũng không bao giờ quên nguồn cội dân tộc; trân quý hơn giá trị của hòa bình, qua đó nỗ lực vươn lên trong lao động, ra sức rèn đức, luyện tài để xứng đáng là con cháu dòng dõi tiên rồng”.

Với những người con quê hương Phú Thọ dù sinh sống và lập nghiệp ở mảnh đất Đắk Nông xa xôi vẫn luôn giữ trọn vẹn tình cảm sâu nặng với quê cha đất tổ. Nói về ngày Giỗ Tổ, Ông Lê Hữu Nghệ, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp cho biết, cứ đến ngày 10/3 Âm lịch là các thế hệ con cháu quê hương Phú Thọ hiện đang sinh sống trên địa bàn xã Quảng Tín nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung lại tề tựu đông đủ để thắp nhang, cúng lễ tưởng nhớ công lao các vua Hùng. Ngoài việc tổ chức cúng, dâng hương, hoa, bánh chưng, bánh dày tưởng nhớ các vua Hùng, đây cũng là dịp để mỗi người con xa quê gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, tạo sự gắn kết cộng đồng cùng vươn lên trong cuộc sống, cống hiến công sức của mình xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp.

Những người con xa quê hướng về cội nguồn

Tâm thức hướng về nguồn cội ấy không dừng lại trong biên giới Tổ quốc. Từ TP San Jose (California, Mỹ), qua kết nối trực tuyến, anh Nguyễn Khắc Quân, một nghệ sĩ violin nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, trải lòng đầy xúc động: “Tôi đã biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới và những bản nhạc dân gian Việt Nam như nói hộ tiếng lòng của tôi – một người con xa xứ, nhưng chưa bao giờ thôi nhớ quê hương. Tôi luôn mong có một ngày được trở về Việt Nam đúng dịp Giỗ Tổ, được đặt chân lên đất Đền Hùng mà dâng lên Tổ tiên một khúc nhạc thành kính”. Tại bang California, nơi có đông đảo kiều bào sinh sống, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm với nghi lễ trang trọng, có rước kiệu, có lễ dâng hương, có âm nhạc truyền thống – như một “Việt Nam thu nhỏ” giữa lòng đất khách. Với anh Nguyễn Khắc Quân, âm nhạc là chiếc cầu nối tâm hồn đưa anh và cộng đồng trở về với cội nguồn, vượt qua mọi khoảng cách địa lý.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hồng Sơn hàng năm vào dịp 10/3 Âm lịch với quy mô lớn. Ảnh: Phạm Hoàng

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ quan trọng trong lịch sử, và là điểm tựa văn hóa, là mạch nguồn thiêng liêng hun đúc nên hồn Việt. Đó là lúc ta nhận ra, dù bước chân có thể đi xa vạn dặm, nhưng trái tim Việt thì vẫn luôn cùng nhịp đập – nhịp đập của lòng biết ơn, của khát vọng trở về, của tình yêu đất nước sâu nặng.

Trong tiếng trống thiêng Đền Hùng vọng về, trong lời ru của mẹ, trong từng nốt nhạc của người nghệ sĩ nơi đất khách hay trong ánh mắt thẳm sâu của người con xa quê… tất cả đang nói với nhau một điều: Chúng ta là người Việt Nam – và đất Tổ luôn ở trong tim.

Nhóm phóng viên thường trú Báo KT&ĐT

Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, Hoa hậu Áo dài Phu nhân toàn châu Âu 2022 Nguyễn Thị Kim Thoa:

Dù ở bất cứ đâu, chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng

Với những người con Việt Nam sinh sống nơi đất khách quê người, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn là sợi dây gắn kết cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới. Tại Cộng hòa Ba Lan, năm nào cũng vậy, vào những ngày này, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan cùng các hội đoàn luôn đoàn kết, chung tay tổ chức lễ hội. Đây là dịp để những người con Việt Nam xa xứ hướng về đất nước, tưởng nhớ tổ tiên, tri ân và biết ơn các vua Hùng đã có công dựng nước; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt, cũng như lan tỏa những giá trị đó đến các thế hệ thứ hai, thứ ba và cả bạn bè quốc tế. Hàng năm, từ cuối tháng 2 Âm lịch, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật chuẩn bị chương trình văn nghệ với những tiết mục đặc sắc. Các hội đồng hương và các câu lạc bộ trong cộng đồng háo hức chuẩn bị những mâm lễ để kính dâng lên bàn thờ các vua Hùng. Hai ngôi chùa Nhân Hòa và Thiên Phúc được các Phật tử trang trí sạch sẽ và trang trọng, chuẩn bị cho buổi lễ, để các con dân người Việt tại Ba Lan có thể về kính dâng lễ vật, tưởng nhớ tổ tiên và công lao của các vua Hùng.

Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, gia đình tôi thường làm mâm cơm chay cùng với các con cháu, thành kính dâng cúng trời, Phật, tổ tiên ông bà tại gia đình. Những lúc như thế, chúng tôi thường kể cho các con cháu nghe về truyền thuyết "Lạc Long Quân - Mẹ Âu Cơ" để hiểu thêm về lịch sử đất nước Việt Nam. Sau đó, chúng tôi cùng nhau đến chùa, cùng tất cả cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức lễ dâng hương trong trang phục áo dài truyền thống, thành kính dâng lên bàn thờ vua Hùng những mâm lễ được trang trí và chuẩn bị chu đáo. Chúng tôi cũng gặp mặt để thưởng thức những tiết mục văn nghệ với những lời ca, tiếng hát về đất nước, con người Việt Nam.

Với tôi, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một ngày hội lớn mà còn là dịp để nhắc nhở mọi người con Việt Nam, dù sống ở bất cứ đâu, rằng chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, "con Rồng cháu Tiên". Tất cả đều giữ vững tinh thần đoàn kết dân tộc, luôn cùng nhau hướng về Tổ quốc Việt Nam và góp phần xây dựng đất nước.

 (Thu Giang ghi)

Du học sinh Việt Nam tại London (Vương quốc Anh) Hà Minh Trang:

Nhớ về Tổ tiên để không mất mình trong nhịp sống toàn cầu hóa

Tôi đang ngồi giữa căng tin trường đại học ở Luân Đôn, nơi chỉ cần liếc qua một dãy bàn ăn cũng thấy cả bản đồ ẩm thực thế giới: người Ấn ăn cà ri, người Trung ăn mì cay, người Anh thì vẫn ăn vội… chiếc bánh mì kẹp thịt nguội như mọi khi.

Bên cạnh tôi, bạn cùng lớp – theo đạo Hồi – chỉ ngồi uống nước vì đang nhịn ăn theo Ramadan. Ramadan là tháng thiêng liêng nhất của đạo Hồi – một hành trình 30 ngày mà người Hồi giáo tạm gác lại nhu cầu thể chất để hướng về giá trị tinh thần. Tôi nhìn bạn, rồi nhìn xuống phần ăn của mình – một miếng bánh chưng mẹ gửi từ Việt Nam. Mùi nếp, đậu xanh, thịt mỡ thì không lẫn đi đâu được. Và lúc đó, tôi chợt nhớ đến sự tích “Bánh chưng, bánh giầy”, nhớ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch.

Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh – một ngọn núi không quá cao để khiến ta nản lòng, nhưng cũng chẳng thấp đến mức có thể bước qua mà không để ý. Giống như cội nguồn: không phô trương, không áp đặt, nhưng luôn ở đó – đủ gần để nhớ, đủ cao để phải ngẩng đầu. Lớn lên mới hiểu: đó là cách người Việt gìn giữ ký ức cội nguồn – qua truyền thuyết Lang Liêu gói bánh chưng bánh giầy, qua câu ca dao quen thuộc:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”,

Ở Anh, cộng đồng người Việt vẫn giữ Giỗ Tổ theo những cách rất lặng: một mâm cơm cúng tụ họp các gia đình, khi những đứa trẻ gốc Việt ngồi chăm chú nghe về truyền thuyết trăm trứng, mắt sáng lên vì háo hức. Chúng lớn lên ở xứ người, biết đến Việt Nam qua những bữa ăn mẹ nấu, những lời kể rời rạc về tổ tiên, và chính điều đó lại khiến chúng tò mò – rằng mình đến từ đâu, và mình thuộc về nơi nào. Không ít người lớn lên, chọn học tiếng Việt, chọn trở về, thậm chí chọn sống hẳn ở Việt Nam – vì trong họ, cội nguồn là cảm giác thôi thúc cần tìm lại điều còn dang dở.

Còn tôi không phải là “gốc Việt sinh ra ở nước ngoài”. Tôi từng trải qua bao mùa Giỗ Tổ, và chuyện trăm trứng với tôi không phải là một truyền thống lạ lẫm sống động, mà là một phần trong ký ức – như biết họ tên mình, như biết mình sinh ra ở đâu. Trải nghiệm của tôi không đến từ sự thiếu vắng cần lấp đầy, mà đến từ sự gắn bó lâu năm cần trân trọng.

Từ góc độ học thuật, nhà nghiên cứu Jan Assmann gọi đó là “cultural memory” – ký ức văn hóa: những biểu tượng, nghi lễ, truyền thuyết… được lặp lại qua thời gian để định hình căn tính một cộng đồng. Và đúng vậy, bánh chưng không chỉ là món ăn, mà còn là bản đồ tinh thần được gói trong lá dong, để con cháu không đi lạc khỏi gốc.

Ramadan của bạn tôi và Giỗ Tổ của tôi là hai con đường khác nhau, nhưng cùng dẫn về một nơi: nơi con người không để mất mình trong nhịp sống toàn cầu hóa, mà tự tìm thấy mình trong ký ức cộng đồng. Và giữa một căng tin với đủ món ăn thế giới, mùi bánh chưng từ nhà bỗng trở thành thứ “hương vị dân tộc” rõ ràng nhất. Không cần khẩu hiệu. Chỉ cần một lát bánh, đủ để nhắc mình rằng: con cháu vua Hùng không chỉ là câu nói từ sách, mà là thứ sống trong mỗi lựa chọn khi ta nhớ về gốc rễ.

 (Ngân Hà ghi)

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Rộn ràng Lễ hội Tiên La

Rộn ràng Lễ hội Tiên La

07 Apr, 08:35 PM

Kinhtedothi - Từ ngày 7 đến 11/4/2025 (tức ngày 10 đến 14/3 âm lịch), Lễ hội Tiên La - một trong những lễ hội truyền thống lớn của tỉnh Thái Bình - chính thức diễn ra tại cụm di tích đền Tiên La, xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà. Lễ hội tưởng niệm 1.982 năm ngày mất của Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục - nữ danh tướng thời Hai Bà Trưng.

Lễ hội bơi Đăm - nơi bảo tồn văn hóa truyền thống mảnh đất nghìn năm văn hiến

Lễ hội bơi Đăm - nơi bảo tồn văn hóa truyền thống mảnh đất nghìn năm văn hiến

07 Apr, 05:57 PM

Kinhtedothi - Từ xa xưa, dân gian đã truyền tụng nhiều câu ca dao nhắc đến hội bơi Đăm như “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy” hay “Xù Gạ thì giỏi chăn tằm, làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền”; “Làng Đăm có hội bơi thuyền/Có lò đánh vật, có miền trồng hoa”.... Câu ca như lời nhắc nhớ mỗi người con làng Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dù công tác, làm việc hay học tập ở bất kỳ nơi đâu cũng luôn hướng về nguồn cội mỗi dịp tháng Ba về.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ