Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Trăm năm một tiếng Sơn Hà”

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là câu mở đầu trong bài thơ Huy Cận cảm tác về nhà tư sản nổi tiếng tài giỏi, giàu có, yêu nước và thương dân - ông tổ nghề sơn Việt Nam Nguyễn Sơn Hà.

Bài thơ có viết:“Trăm năm một tiếng Sơn Hà/ Nghìn năm hai chữ Nước Nhà của chung/ Đem Sơn tô điểm Sơn Hà/ Làm cho rạng rỡ nước nhà Việt Nam”.

Làm giàu bằng tài năng và danh dự

Nguyễn Sơn Hà, sinh năm 1894 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Quốc Oai, Hà Nội) có 7 anh em và mồ côi cha khi ông mới 15 tuổi. Khi nhỏ, ông được học một ít chữ Nho và chữ Quốc ngữ nên xin được việc làm nhân viên bàn giấy ở một hãng buôn. Vì lương thấp, ông bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng.

Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội. Ảnh tư liệu
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội. Ảnh tư liệu

Tại đây, trong ông nung nấu ý chí phải tự mình làm nên một hãng sơn của người Việt, phải làm giàu được bằng chính tài sức của mình.

Để làm được điều đó, ông tự thấy mình phải học. Đầu tiên là học tiếng Pháp để có thể đọc, hiểu được các tài liệu khoa học kỹ thuật. Ông thuê cả thầy bản ngữ dạy tiếng Pháp cho mình.

Khi đã tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm về kỹ thuật, quản lý, kinh doanh, Nguyễn Sơn Hà bắt đầu thực hiện ý định của mình. Ông mở công ty riêng và tìm việc để kiếm vốn như thầu sơn nhà, kẻ biển… đồng thời sản xuất thử các loại sơn riêng của mình.

Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng Nguyễn Sơn Hà cũng đã sản xuất thành công mẻ sơn đầu tiên bán ra thị trường với thương hiệu “Resistanco”, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”. Khác lạ là sơn “Resistanco” sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như nhựa thông, dầu trẩu, dầu thầu dầu, đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn và tạo điều kiện phát triển trồng cây công nghiệp.

Để đủ sức cạnh tranh với các loại sơn của Pháp, Nguyễn Sơn Hà kiên trì nghiên cứu để cuối cùng có mẫu sơn chất lượng cao, giá thành hạ, được hãng Descous et Cabaud của Pháp nhận làm đại lý, các nhà thầu, khách hàng ưa dùng. Ông quyết định đặt tên cho hãng sơn của mình là Gecko, với logo có hình con tắc kè xanh cong đuôi bám vào thân cây cổ thụ.

Gecko là hãng sơn đầu tiên của người Việt đủ sức cạnh tranh với sơn của Pháp và tư bản Hoa kiều. Năm 1920, ông quyết định xây dựng nhà máy rộng đến 7.000m2 ở Lạch Tray (Hải Phòng), mua sắm thêm nhiều máy móc thiết bị hiện đại cho dây chuyền sản xuất. Để chủ động nguồn nguyên liệu, ông mua đất mở trại trồng thông, trẩu để lấy dầu; nghiên cứu khai thác các loại bột đá màu ở Thanh Hóa.

Nhờ nỗ lực nghiên cứu, cải tiến, mà chất lượng sơn ngày càng tốt hơn như sơn Resistanco A, B, dùng cho sơn xe đạp. Đặc biệt, sơn Durolac dùng để sơn ô tô đã từng đoạt giải trong một cuộc triển lãm tại Pháp. Hoặc từ bột đá xanh, ông đã nghiên cứu và sản xuất thành công một loại sơn tường rất tốt, rất được ưa chuộng. Ngay cả bã sơn ông cũng nghiên cứu để chế thành Colophan thay thế cho nhựa đường trong thời kỳ khan hiếm.

Mặt khác, ông có chiến lược kinh doanh rất nhạy bén, uyển chuyển và hiệu quả. Ông biếu hàng mẫu cho các cai thầu, gửi sơn bán cho các hãng buôn lớn với giá cả hạ mà lại không phải trả tiền hàng ngày; tổ chức quảng bá sản phẩm…

Với ưu thế về giá thành do khai thác nhân công và nguyên liệu tại chỗ lại liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng, sơn Gecko ngày càng mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà cả các nước trong khu vực. Nhưng khi các sản phẩm sơn Ré sistanco1, Ré sistanco 2 tràn sang thị trường các nước Lào, Thái, Miên thì tư bản Pháp và tư bản Hoa kiều đã không còn để yên. Họ bằng mọi cách chèn ép, thậm chí âm mưu bóp chết với rất nhiều thủ đọan như vu khống, buộc di dời nhà máy… Nhưng Nguyễn Sơn Hà đã khôn khéo đấu tranh và vượt qua để duy trì và phát triển thành một trong những hãng sơn lớn nhất ở Đông Dương.

Phụng sự đất nước

Phan Bội Châu đã từng ca ngợi Nguyễn Sơn Hà: “Hóa học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất/ Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ” (tạm dịch là “Lấy hóa học người âu điểm tô cho sông núi bởi tấm lòng son sẵn có/ Làm công nghệ đất Việt, đổi thay thời thế từ tay trắng làm nên").
Có lẽ tấm thịnh này bắt đầu từ cuộc viếng thăm ông của vợ chồng Nguyễn Sơn Hà vào năm 1939.

Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc và động viên ông rất nhiều trong các hoạt động xã hội ích nước lợi dân.

Là một nhà tư sản có uy tín trong giới công thương ở Hải Phòng, để có tiếng nói bảo vệ quyền lợi của người Việt, Nguyễn Sơn Hà tranh cử vào Hội đồng thành phố. Ông tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội Ánh sáng; Thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền Bá quốc ngữ. Ông bỏ tiền chi phí giấy bút và hỗ trợ đời sống giáo viên để duy trì phong trào truyền bá Quốc ngữ ở Hải Phòng trong suốt nhiều năm liền.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông cùng gia đình hết lòng hưởng ứng Tuần lễ vàng do chính phủ phát động và vận động các nhà tư sản khác, Nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình gồm 10,5kg vàng bạc, đá quý. Riêng ông đã hiến chiếc nhẫn quý bằng platin gắn kim cương.

Cũng ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Sơn Hà đã cho phép em rể của mình là ông Tưởng Dân Bảo - Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Châu Đốc dùng tiền của ông ở đại lý sơn tại Sài Gòn tổ chức một đoàn tàu ra Côn Đảo đón tù chính trị trở về đất liền trước khi Pháp nổ súng gây hấn Nam bộ (23/9/1945).

Người con trai cả của ông là Nguyễn Sơn Lâm tham gia cách mạng từ sớm, là Đội trưởng tự vệ Hải Phòng đã hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến. Cuối năm 1946, Pháp gây hấn ở Hải Phòng, Nguyễn Sơn Hà và gia đình đã bỏ lại toàn bộ tài sản để lên chiến khu tham gia kháng chiến. Ở Việt Bắc, ông giúp Cục Thông tin Bộ Quốc phòng sáng chế vải nhựa cách điện dùng cho kỹ thuật thông tin, sản xuất giấy than, mực in lito, vải che mưa.

Vải che mưa của Nguyễn Sơn Hà có thể chống mưa, làm ngụy trang, làm chiếu nằm cho bộ đội. Ông sản xuất lương khô đảm bảo đủ chất lại vừa bảo quản được lâu ngày không bị mốc. Ông còn chưng cất tinh dầu khuynh diệp để chế ra kẹo ngậm chống ho gọi là “Pastille Valda” cung cấp cho bộ đội.

Nguyễn Sơn Hà là đại biểu Quốc hội khóa I, từng thay mặt Quốc hội khóa I trao thanh kiếm “Mã đáo thành công” cho đại đoàn 308 tại chiến khu Việt Bắc.

Sau kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Sơn Hà tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam các khóa II, III, IV, V. Ông mất tại Hải Phòng năm 1980.