Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trần Dực: Từ đi ở chăn trâu trở thành Nhị giáp Tiến sĩ Hội nguyên

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trần Dực (1462 - 1512) quê ở làng Ngải Lăng - La Sơn (nay là thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, vì nhà nghèo nên ông phải đi ở chăn trâu.

Nhưng nhờ thiên bẩm thông minh, tâm sáng, có chí học hành, ông đã vượt khó vươn lên, đỗ Nhị giáp Hội nguyên Tiến sĩ và có nhiều công lao với nước, với làng.

Từ cậu bé đi ở trâu trở thành tiến sĩ

Trần Dực có cha là Trần Viết Tu, mẹ là Bùi Thị Nhàn. Ông có 9 anh chị em, ông là con thứ hai.

Gia phả họ Trần Viết ở Ngải Lăng chép: "Bố mẹ ngài nhà nghèo lại đông con gặp nhiều khó khăn nên anh em ngài phải đi ở mỗi người một nơi, tha phương cầu thực, cha mẹ sống còn không rõ, anh em họ hàng ít người nên cũng không ai biết đến. Riêng bản thân ngài đi ở làm con nuôi cho một gia đình giàu có ở làng Khoóng, xã Nghĩa Yên. Gia đình có nuôi một ông thầy dạy học cho con ở trong nhà. Ngài đã tranh thủ lúc rảnh việc chăn trâu để nghe lén học theo.

Nhà thờ họ Trần Viết (Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Nhà thờ họ Trần Viết (Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Thấy ngài học giỏi, thầy dạy cũng yêu quý nên gia chủ đã cho ông cùng học. Đến năm nhà vua mở khoa thi, con nhà chủ đi thi, ngài phải theo hầu, đồng thời ngài cũng xin thi. Ngài đậu thi hương rồi vào thi hội đậu tiến sĩ đệ nhị giáp. Lúc vinh quy bái tổ, làng Khoóng không chịu rước vì xem ngài là đứa ở. Sau đó dân thôn Phúc Thái trong xã xin rước Ngài về thôn".

Về việc học hành của ông, sách Nghệ An ký của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch chép: "Trần Dực, người xã Ngải Lăng, huyện La Sơn. Theo Đăng Khoa Lục, năm 38 tuổi, ông đỗ Hội nguyên khoa Nhân Tuất đời Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), ông lại đỗ đầu khoa Đông các, làm quan đến Tả thị lang bộ Hộ.

Ông lúc trẻ hàn vi, đi ở chăn trâu, ông thường cho trâu ăn ở bên cầu, gần trường, rồi mượn sách để học. Chỉ trong vài năm, ông học rất giỏi rồi đỗ hương cống. Khi vào kinh thi hội, ông dấu họ tên, làm thuê, gánh đồ đạc, thổi cơm cho một hương cống xứ khác. Hôm vào trường thi, ông đưa hương cống ấy vào trường xong, rồi mới vào. Đến khi yết bảng, ông đỗ đầu, mà người thuê ông vẫn không biết. Đến khi biết thì lấy làm kinh ngạc, bái tạ không ngớt".

Ở Văn Miếu (Hà Nội), bia số 5, hàng thứ nhất ghi danh các vị tiến sĩ đỗ khoa thi Nhâm Tuất, đời Lê Hiến Tông (1502) trong đó có tên ông - Trần Dực ở Ngải Lăng, La Sơn.

Trong sách "Đức Thọ phủ phong thổ ký", Tri phủ hạng nhất Hà Văn Lan, trong phần mở đầu nói về nhân vật lịch sử của phủ Đức Thọ, đã ghi danh Trần Dực đầu tiên. Ông viết: "Trần Dực thuộc thôn Nghĩa Yên, tổng Việt Yên, đậu Nhị giáp Tiến sĩ Hội nguyên, làm quan đến Tả thị lang bộ Hộ kiêm Đông các Hiệu thư, thuở nhỏ là người nghèo hèn, chăn trâu dọc cầu Khoóng".

Một tấm lòng yêu quê, thương dân

Trần Dực không chỉ đỗ Nhị giáp Tiến sĩ mà theo sách Đăng khoa bị khảo, ông còn đỗ khoa Đông các hiệu thư. Về tài năng của ông, sách Nghệ An ký có dẫn lại sách Đại Việt sử ký toàn thư như sau: "Đại Việt sử ký [toàn thư] chép: "Đời Lê Tương Dực, năm Hồng Thuận thứ 2 (1510), vua thường đến các điện Vạn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên làm thơ Nôm, các quan đại thần văn võ đến chầu họa thơ [cũng đông], duy có ông làm hiệu thư tòa đông các họa là được hợp cách, vua thưởng 5 quan tiền".

Đã hơn 500 năm nhưng ở vùng Đức Thọ (Hà Tĩnh) đến nay vẫn truyền tụng về chí học hành, trí thông minh và tấm lòng trung hậu, yêu quê, thương dân của ông.

Khi trưởng thành, mặc dù đỗ đạt cao, ông vẫn không được làng Khoóng đón rước vì xuất thân nghèo khó, phải đi ở nhưng dân làng Phúc Thái đã rước ông về. Mặc dù vậy, ông vẫn biết ơn nuôi dưỡng, cho ăn học của cha mẹ nuôi và sự đùm bọc của dân cả hai làng Khoóng và Phúc Thái. Không như nhiều vị khác, chỉ vinh thân phì gia, ông đã dành nhiều tâm sức và công của để giúp dân làng một cách thiết thực nhất.

Gia phả họ Trần Viết ghi: "Theo quy chế của đời Lê triều, những người đậu khoa lớn đều được mở địa giới quản lý sương túc của ruộng đất, xây dựng các công trình công ích, mở vườn của bản thân.

Để trả ơn cho thôn Phúc Thái, ngài đã mở địa giới, quản lý sương túc của ruộng đất từ ngoài đồng, [….], để thôn đó được hưởng quyền lợi bằng cách đến mùa gặt họ được thu một sào bao nhiêu thóc trong toàn bộ diện tích địa giới ngài mở. Sau đó, ngài xây một cái cống lấy chức vụ mà đặt tên là cống Thị Lang.

"Về phần riêng của ngài, ngài mở một cái vườn rộng mà ngày nay gọi là Vườn Hầu. Tiếp đó, dân xây một cái nhà bia, trong dựng một tấm bia đá ghi công danh sự nghiệp của Ngài, nay đã mòn hết, chỉ còn 5 chữ lớn Thị lang bi sử ký".

Sách Đức thọ phủ phong thổ ký chép: "Sau khi đậu ông bèn xuất của khai thông cầu ấy nước lên mênh mông. Nông dân do đó được hưởng lợi. Ông lại bắc cầu qua khe tên là cầu Thị Lang. Bên cầu có dựng bia, ngày nay dấu tích cầu và bia vẫn còn".

Sách Nghệ An ký chép: “Sau khi hiển đạt, ông tu sửa cái cầu mà mình ngồi đọc sách ngày trước, đặt tên cầu là Thị Lang. Nay bia vẫn còn".

Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, người đồng hương cùng huyện, khi đi qua cầu Thị Lang đã cảm tác: "Trư trướng vô liêu hành khách tứ/Tước bi thượng ký nhận tiên triều" (Qua lại người người lòng ngẫm nghĩ/Nhìn bia nhớ kẻ đã qua đời).

Không chỉ học tài, đỗ cao, giỏi thơ văn, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hộ kiêm Đông các Hiệu thư, Trần Dực còn là một tướng quân. Ông mất trong vai trò một tướng cầm quân đi đánh trận. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Nhâm Thân năm thứ 4 [1512] (Minh Chính đức thứ 7)…

Mùa Hạ, tháng Tư,… Bọn Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt làm loạn ở địa phương Nghệ An. Vua sai bọn Khang quận công Trần Nghi và Đông các Hiệu thư Trần Dực đi đánh. Vào đến địa phương Nghệ An, bọn Nghi đàng trước đàng sau đều bị giặc đánh, quan quân vượt ra biển, bị sóng gió đánh vỡ thuyền, toàn quân bị chết đuối, Nghi và Dực cũng chết chìm ở biển".

Cuộc đời ông chìm nổi theo cùng các biến cố lịch sử của đất nước và dòng họ. Mãi hàng trăm năm sau khi ông mất, con cháu dòng họ Trần mới tìm lại được gia phả và rước ông về với tổ tiên ở làng Ngải Lăng. Trong nhà thờ họ Trần Viết ở Ngải Lăng có ban thờ và mộ (gió) của ông cũng được lập trong khuôn viên nhà thờ. Cầu Thị Lang nay không còn nhưng bia Thị lang bi sử ký cũng đã được di dời về nhà thờ họ.

 

Trần Dực là một tấm gương lớn về chí học hành, về cách hành xử có trước có sau, về tình yêu quê, thương dân, xả thân vì nước của một trí thức lớn trưởng thành từ nghèo khó. Trường hợp Trần Dực còn để lại bài học về chính sách sử dụng người tài của người xưa. Mặc dù chế độ tuyển chọn và sử dụng quan lại dưới chế độ phong kiến nhà Lê rất khắt khe nhưng nếu thực sự có tài, có tâm thì dù xuất thân hèn kém cũng được trọng dụng.