Tràn lan thu học phí bằng “đô”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù Nghị định 95/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20.11.2011 quy định rõ về khung xử phạt đối với việc niêm yết giá, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn rất nhiều trường công khai mức thu phí bằng ngoại tệ.

Từ mầm non đến đại học

Việc các trường, đặc biệt là những trường mang danh quốc tế hoặc có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, thu học phí bằng ngoại tệ và đăng công khai trên website của trường không phải là chuyện hiếm và diễn ra từ nhiều năm nay.

 
Tất cả các khóa học của Trường Quốc tế Hà Nội (HICO) từ tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo đến tiếng Anh giao tiếp của người lớn, tiếng Anh cho doanh nghiệp đều thu bằng USD. Đơn cử như khóa Anh văn mẫu giáo dành cho trẻ 4 - 6 tuổi học trong 10 tuần có giá 160USD. Khóa Tiếng Anh thương mại có giá từ 150USD đến 200USD tùy từng cấp học. Học phí này chưa bao gồm giáo trình.

Tại Trường mầm non Morning Star, học phí cho trẻ 18 tháng - 2,5 tuổi là 6.200USD/năm, lớp 2,5 – 5 tuổi là 6.545USD/năm, lớp 5 - 6 tuổi là 7.012USD/năm. Mức học phí này chưa bao gồm tiền ăn. Khi học sinh bắt đầu nhập học phải nộp một khoản phí bắt buộc là 600USD/học sinh.

Website của Trường Quốc tế Hanoi Academy có nêu rõ: Ngoài học phí, phí xây dựng và phát triển đang áp dụng cho các cấp hiện nay là 1.000USD/1 cấp học và là khoản phí không hoàn lại, không chuyển nhượng. Ngoài ra, học sinh sau khi đạt điểm kiểm tra đầu vào phải nộp 3USD phí mua hồ sơ nhập học chính thức theo mẫu riêng của Hanoi Academy.

Học phí của Trường Quốc tế Việt Úc ghi rõ mức phí của từng cấp học bằng cả tiền đồng và USD. Như phí ghi danh của cấp mẫu giáo và tiểu học là 120USD, học phí trọn khóa (cả năm) tùy từng lớp có mức từ 3.210USD đến 4.153USD.

Wesite của Trường Quốc tế ACG Việt Nam còn đăng chi tiết các khoản phí của năm học 2011 – 2012 như phí nộp đơn 150USD, phí cơ sở vật chất 1.500USD, phí đặt cọc 1.500USD, phí xe buýt từ 950USD – 1.470USD, phí tiếng Anh hỗ trợ 2.750USD, phí thi cử các loại từ 30USD – 87USD/môn…

Học phí của trường tùy từng lớp có giá từ 9.000USD – 15.950USD/năm.

Tại khối ĐH, khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội mặc dù công bố thu học phí bằng tiền Việt nhưng có giá trị tương đương mức giá ngoại tệ. Theo đó, chương trình do ĐHQGHN cấp bằng: Kinh doanh quốc tế: 1.800USD/năm; Kế toán, phân tích và kiểm toán: 1.300USD/năm.

Chương trình do ĐH nước ngoài cấp bằng: Kế toán (honours): 2.800USD/năm; Khoa học Quản lí: 2.800USD/năm; Bác sỹ Nha khoa: 3.300EUR/năm; Kinh tế - Quản lí: 1800EUR/năm; Kinh tế - Tài chính, Trung Y - Dược, Hán ngữ, Giao thông: 800USD/năm. Chương trình dự bị đại học: Tiếng Anh: 1.000USD/học kỳ; Tiếng Nga: 500USD/học kỳ; Tiếng Pháp: 550EUR/học kỳ; Tiếng Trung Quốc: 400USD/học kỳ.

Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia Hồ Chí Minh), ĐH Quốc tế Bắc Hà đều ghi rõ: Giai đoạn 1 học tại Việt Nam có mức học phí khoảng 2.500USD – 3.000USD/năm.

Có xử phạt được hết hay không?

Mới đây, ĐH FPT là trường đầu tiên bị “sờ gáy” vì niêm yết học phí các khóa đào tạo theo chương trình liên kết với nước ngoài bằng USD. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã quyết định xử phạt 500 triệu đồng đối với Trường ĐH FPT (Toà nhà Detech, số 8 Tôn Thất Thuyết, huyện Từ Liêm, Hà Nội) do vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Ngoài ra còn yêu cầu trường không được niêm yết, thông báo, quảng cáo học phí các khóa học bằng ngoại tệ dưới mọi hình thức.

Trước động thái này của các cơ quan quản lý, dư luận xã hội đang đặt câu hỏi: Liệu cơ quan thanh tra có rà soát và xử phạt hết được tất cả các đơn vị vi phạm hay không khi có quá nhiều đơn vị vẫn đang niêm yết công khai mức học phí bằng ngoại tệ như hiện nay?

Nghị định 95/2011/NĐ-CP quy định phạt từ 300-500 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ; Thực hiện dịch vụ kiều hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp phép; Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, hành vi niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật trước đây chưa được quy định thì nay Nghị định 95/2011/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 300-500 triệu đồng.