70 năm giải phóng Thủ đô

Tràn lan website mạo danh bác sỹ, bệnh viện -trách nhiệm của cơ quan quản lý?

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hiện người tiêu dùng đang bị bủa vây bởi thông tin giả: Hàng hoá được quảng bá sai sự thật về chất lượng; xuất hiện nhiều trang web giả mạo thương hiệu... khiến người tiêu dùng "tiền mất tật mang". Người tiêu dùng có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) góp ý về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) góp ý về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Người tiêu dùng bị bủa vây bởi thông tin giả

Sáng 26/5, thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV về Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) nêu rõ: Một trong những vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa.

Trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò to lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch, tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu sản phẩm, mạo danh các bệnh viện-bác sỹ có uy tín, đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ...

Theo đại biểu, giữa sự bủa vây của những thông tin giả, người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người “tiền mất tật mang” vì những thông tin sai lệch. Mặc dù, Dự thảo Luật có quy định quyền, nghĩa vụ người tiêu dùng, trong đó có việc phải kiểm tra, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiêu dùng bền vững nhưng khi đứng trước thực trạng thông tin như hiện nay, người tiêu dùng vẫn có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 26/5
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 26/5

Do đó, đại biểu đề nghị Tô Văn Tám đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật trách nhiệm của Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan - nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông về trách nhiệm ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.

Cùng chung góc nhìn này, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 của thế giới phẳng, việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số qua không gian mạng là tất yếu. Với thực trạng hiện nay, tình trạng quảng cáo cũng như các vấn đề liên quan đến quảng cáo trên các nền tảng số, dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định có liên quan kịp thời và phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số nội dung trên không gian mạng cần xem xét kỹ hơn như tại quy định của Điều 39 của dự án Luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng cũng như thổi phồng chức năng của sản phẩm dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, đồng thời đảm bảo không được vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường

Cần quy định thời hạn gỡ thông tin vi phạm

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với quy định về công bố, công khai thông tin cảnh báo danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng về hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý tại Điều 40, Dự thảo Luật mới chỉ quy định về việc công bố thông tin mà không quy định về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố là chưa phù hợp.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bị xử lý sau vi phạm, nếu các tổ chức, cá nhân đó nghiêm túc khắc phục thì cũng cần có quy định trong luật về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới chỉ giới hạn việc công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có vi phạm, còn các hình thức bán hàng khác như bán hàng trực tiếp, cung cấp dịch vụ liên tục vẫn chưa đề cập. Trong khi đó, các giao dịch ngoài không gian mạng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong đời sống xã hội.