Nhà nghèo, hiếu học
Trần Quý Cáp, tự Dã Hàng, Thích Phu, lúc nhỏ có tên là Trần Nghi, được sinh ra tại thôn Thái La, làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. “Con nhà nông, tổ húy Tình, một nhà nông thuần phác khuôn mẫu. Thân phụ, thường gọi là ông Nhượng, vừa cày vừa đọc sách, làm việc làng được làng xóm xưng tụng... Tiên sinh lúc nhỏ dĩnh dị, bắt đầu đi học, đọc sách hiểu ngay, thầy dạy lấy làm lạ”.
"Nhà nghèo không có sách, ở gần cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý nhiều sách, tiên sinh qua lại với các cậu con, mượn sách về học khá, rồi đến nhà cụ cử Lê Trúc Trai ở Nông Sơn, một nhà nho có danh vọng trong hạt, rất đông học trò, được bạn bè mến chuộng, và trong đám học trò, trổi nhất chỉ có tiên sinh và cụ Trường Giang Phạm Liệu, hằng tháng thi hạch đứng đầu luôn, được cụ Đốc Trần Đình Phong (hiệu Mã Sơn) khen ngợi” (Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu sử nhà cách mạng Trần Quý Cáp).
Thấy Trần Nghi học giỏi, Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong đã chọn Trần Nghi về học ở trường tỉnh Thanh Chiêm. Trần Nghi được cấp học bổng và được đổi tên thành Quý Cáp từ đó.
Ông là một trong 6 học sinh lỗi lạc của cụ Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong (gồm: Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang và Trần Quý Cáp). Về việc này, Huỳnh Thúc Kháng chép: “Năm Ất Vị (1895), được bổ vào học sinh trường tỉnh, nổi danh học giỏi. Năm mậu Tuất (1998), cụ cùng Ấn Nam Nguyễn Đình Hiến lấy chân học sinh đi thi, trong số thí sinh biết bao anh tài, nhưng đều nhận văn của tiên sinh là hùng hơn cả”.
Trần Quý Cáp tuy học giỏi nhưng đường công danh rất lận đận. Năm 1897, ông mới đỗ tú tài. Năm 1899, thân phụ lâm bệnh, ông ở nhà chăm sóc. “Trong thời gian thân phụ bệnh, thân sinh hầu luôn bên cạnh, thuốc thang nuôi dưỡng suốt mấy tháng, lo buồn tiều tụy, thật là hiếu hạnh trời sinh.
"Nhà nghèo không đủ tự cung, tiên sinh phải dạy học trò thêm vào; sau đó cư tang nuôi mẹ, trong nhà bốn vách trống không; vẫn vui vẻ như thường... Dạy học ba năm ở nhà, mọi nơi nghe tiếng, đến học rất đông.
Tiên sinh tùy người dạy dỗ. Tình thầy trò như cha con, trìu mến nồng nàn, không những trong châu quận, cho đến trong miền Cù Mông, Đại Lãnh trở vào Nam, không biết bao nhiêu nhân sĩ đến thụ giáo, đều nhờ ơn trạch tiên sinh. “Dạy người không chán mỏi”, có lẽ duy tiên sinh mới đúng tinh thần ấy” (Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu sử nhà cách mạng Trần Quý Cáp).
Mãn tang cha, năm Quý Mão (1903), đi thi Hương, không đỗ, nhưng ông không lấy làm điều. Nhân việc này, Phan Bội Châu, từ lâu trọng tài Trần Quý Cáp, đã tặng bài thơ, có câu: Túy tinh ngã bối song cuồng nhãn/Đắc tán nhân gian nhất cuộc kỳ (Bọn ta say tỉnh hai tròng mắt/Cờ thế hơn thua một cuộc xoay).
Năm 1904, lúc đã 35 tuổi, ông được đặc cách cho thi Hội rồi thi Đình, đỗ Nhất Giáp Tiến sĩ cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng. Nhân dịp này “cụ Đào Tào Pha (tức Đào Nguyên Phổ) có câu đối mừng nói: Đỗ tiến sĩ thời dễ, đỗ cử nhân thời khó, chán cho khoa cử hãm hại anh hùng trong mười năm nhỉ” (Huỳnh Thúc Kháng).
Bài xích cử nghiệp, đề xướng tân học
Đỗ đạt nhưng Trần Quý Cáp không ra làm quan mà cùng Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng dựng cờ Dân quyền, khởi xướng sự nghiệp Duy tân, "tự gánh trách nhiệm bài xích cử nghiệp, đề xướng tân học" (Huỳnh Thúc Kháng).
Năm 1904, ba ông cùng nhau lên tận các vùng rừng sâu, nước độc, núi non hiểm trở của Quảng Nam như Phước Sơn, Thanh Mĩ để tuyên truyền vận động Nhân dân chăm chỉ làm ăn sinh sống để thay đổi cuộc sống theo tinh thần duy tân.
Năm 1905, ba ông lại lên đường đi vào các tỉnh phía Nam để quan sát tình hình, vận động duy tân. Đi đến đâu các ông cũng tuyên truyền tư tưởng duy tân, cổ súy dân quyền và được nhiều người hưởng ứng.
Khi tới Bình Định, gặp kì thi khảo, Phan Châu Trinh đã làm bài thơ “Chí thành công thánh”, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú “Lương ngọc danh sơn” để bài xích lối học cử nghiệp, gây một tiếng vang lớn trong giới sĩ tử và quần chúng đương thời.
Vào Bình Thuận, các ông kết giao với các sĩ phu yêu nước ở miền Nam, làm dấy lên phong trào Duy Tân ở Bình Thuận. Từ đây dẫn đến sự ra đời Liên Thành thi xã, Liên Thành thương quán và Dục Thanh học hiệu trong những năm sau đó ở Bình Thuận.
Sau chuyến Nam du về, Trần Quý Cáp cùng với các bậc thân hào trong tỉnh bắt tay thực hiện công cuộc Duy Tân, xướng lập Hội Thương, mở trường Tân học… Phong trào không chỉ rầm rộ ở Quảng Nam mà còn lan ra các tỉnh ở Nam Trung Bộ.
Tại Quảng Nam, nhiều thương hội được thành lập và hoạt động sôi nổi để phát triển kinh tế và giành lại phần nào quyền lợi trong tay ngoại quốc nhất là thương gia Hoa kiều.
Các thương hội Phong Thử, Diên Phong, thương cuộc Hội An, Phú Lâm… được thành lập, có tổ chức quy củ để hướng đến nền thương mại mới, có đoàn thể, có vốn lớn, vừa bảo đảm việc sản xuất trong nước vừa cạnh tranh với người nước ngoài và kích thích công nghệ, nông nghiệp phát triển.
Việc buôn bán không chỉ trong phạm vi Quảng Nam mà còn mở rộng ra các tỉnh, ra tận Hà Nội. Nhiều nơi như Huế, Nghệ An, Phan Thiết cũng đã mở các thương hội. Trần Quý Cáp làm Bài ca khuyến hiệp thương, có câu: Đem tâm huyết nhiễm chăng dòng máu đỏ/Bỏ bạc tiền ra đó buôn chung/Người có của, kẻ có công/Xem nhau lại đem lòng nhân ái.
Năm 1906, thực hiện chủ trương "Dĩ nông hợp quần", Trần Quý Cáp lập nông hội Cờ Vĩ. Trần Huỳnh Sách có ghi lại: “…
Tiên sinh phải ra thuê một sở ruộng làng Cẩm Nê chỗ giáp giới huyện Hòa Vang với phủ Điện Bàn, diện tích ước chừng hai mươi mẫu để lập nông hội. Tiên sinh đứng ra tổ chức và trông coi sự làm ruộng ấy, mục đích để lấy hoa lợi tiếp tế cho anh em du học”.
Lúc Trần Quý Cáp đang ở Cẩm Nê thì triều đình bổ chức Giáo thụ Thăng Bình. Theo Trần Huỳnh Sách thì: “… tiên sinh không muốn đi, nhưng thân bằng lấy sự nhà nghèo và mẹ già khuyến khích mãi, tiên sinh mới đi”. Về việc này, trong bài thơ khóc Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng cũng viết: "Làm quan vì mẹ há vì tiền”.
Là bất đắc dĩ nhưng Trần Quý Cáp đã biến nó thành cơ hội để duy tân giáo dục, hợp pháp hóa việc dạy chữ quốc ngữ, truyền bá tân học. Ông đã biến ngôi trường của chính quyền theo lối học khoa cử cũ thành ngôi trường của Duy Tân theo lối học mới, tiến bộ.
Trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp, dạy các môn khoa học tự nhiên và xã hội, dạy thủ công, thể dục, võ thuật, chú trọng thực dụng và có tính cách hướng nghiệp. Ông còn tổ chức diễn thuyết cổ động cho tân học khiến hàng ngũ thân hào nhân sĩ tự nguyện góp công, góp của dựng lên những ngôi trường Duy Tân trong các xóm làng.
Ông làm bài Chiêu hồn nước là bài ca khuyến học thể hiện tư tưởng và tinh thần duy tân của ông. “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước/Phải đem ra ra tỉnh trước dân ta”; Hoặc: Một người học, muôn người đều biết/Trí đã khôn, trăm việc phải hay/Lợi quyền đã nắm trong tay/Có ngày tấn hóa, có ngày văn minh”.
Không đầy 6 tháng, 40 trường tân học đã ra đời, nhiều trường đã gây được uy tín và ảnh hưởng lớn như trường Phú Lâm, Diên Phong, Phước Bình, Cẩm Toại...
Những việc làm của ông được quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ, gây tiếng vang lớn làm cho giới cựu học phải gai mắt, nhà cầm quyền e ngại, lo sợ. Vì vậy, chúng đổi ông vào làm Giáo thụ Ninh Hòa (Khánh Hòa) với mục đích tách ông ra khỏi phong trào Duy Tân đang sôi sục ở Quảng Nam.
Năm 1908, Trần Quý Cáp vào Ninh Hòa. Chưa được bao lâu thì cuộc biểu tình chống sưu khất thuế nổ ra ở Quảng Nam rồi lan nhanh đến các tỉnh khác từ Phú Yên đến Hà Tĩnh. Mặc dù phong trào chưa nổi lên ở Khánh Hòa và không có bằng chứng cụ thể, Trần Quý Cáp vẫn bị bắt và bị xử chém một cách vội vàng. Ngày 17/5/1908, Trần Quý Cáp bị đưa ra bãi sông Cạn xử trảm. Trong bài điếu ông, Phan Bội Châu viết: “Nhớ khi ông tới trường chém, dao đã kề cổ, còn ung dung xin với quan giám trảm cho đặt án, đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân năm bái, rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách”.