Trần Trọng Kim - nhà giáo dục tiên phong

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trần Trọng Kim là một trí thức tân học hồi đầu thế kỷ XX đã có nhiều đóng góp quan trọng xây dựng nền giáo dục mới và là tác giả có nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, văn học, tôn giáo có giá trị lớn.

Nhà giáo dục tân học tiên phong

Trần Trọng Kim, sinh năm 1883 (Gia phả ghi là 1886) tại làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phố (nay là xã Xuân Phổ), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trong gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội là Trần Văn Bính, đỗ 3 khoa tú tài. Cha là Trần Bá Huân (1838 - 1894) từng tham gia khởi nghĩa Hương Khê.

Trong hai năm 1897 - 1899, ông ra Nam Định theo học trường Pháp - Việt ở Nam Định, tiếp đó học trường Thông Ngôn đến năm 1903 rồi về Ninh Bình làm thông ngôn.

Được Nguyễn Văn Vĩnh giúp đỡ, năm 1905, ông sang Pháp và theo học tại trường tư thục ở Bourg-Saint-Andéol, tỉnh Ardèche, sau đó lên Lyon học tiếp. Đến năm 1908, ông xin được học bổng vào học trường Thuộc địa (Paris) rồi sau đó là trường Sư phạm Tiểu học (Ecole nor male des Instituteurs) ở Melun.

Trần Trọng Kim (1883 - 1953).
Trần Trọng Kim (1883 - 1953).

Năm 1911, ông về nước bắt đầu con đường sư phạm của mình ở trường Bảo hộ rồi vào làm việc tại trường Hậu bổ. Đến năm 1919, trường Hậu bổ bị giải thể, ông được chuyển sang trường Sư phạm. Đến năm 1921, Trần Trọng Kim làm Thanh tra các trường tiểu học; năm 1924 là Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924); năm 1931 dạy Trường Sư phạm thực hành; năm 1939 là Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội. Ngoài ra, ông còn tham gia các hoạt động xã hội. Ông là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức, Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của Hội Bắc kỳ Phật giáo. Ông về hưu năm 1942.
Năm 1943, Nhật Bản kéo vào Đông Dương và ông bắt đầu bị người Nhật cuốn vào chính trường đầy cạm bẫy, trở thành chính khách bất đắc dĩ, là Thủ tướng Chính phủ Đế quốc Việt Nam (4 - 8/1945).

Không đề cập đến tư cách chính khách, về Trần Trọng Kim, trước hết, ông là nhà giáo dục tiêu biểu có nhiều đóng góp trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển nền tân/quốc học nước nhà. Bắt đầu từ truyền thống Nho học nhưng Trần Trọng Kim từ rất sớm đã hướng đến tân học, chủ động đi vào ngành sư phạm và gắn bó với công cuộc xây dựng nền tân học hơn 30 năm cho đến lúc về hưu.

Không chỉ là thầy giáo, là nhà sư phạm, ông soạn nhiều sách giáo khoa để định hình cho cả hệ thống giáo dục tiểu học.

Từ năm 1914, khi chưa bỏ giáo dục Hán học, phụ trách mục “Học khoa” trên Đông Dương tạp chí, ông đã viết rất nhiều bài có tính chất giáo khoa về khoa học sư phạm và luân lý. Cũng từ sớm ông đã cho xuất bản nhiều sách về giáo dục như: Sơ học luân lý (1914), Sư phạm khoa yếu lược (1916), Sư phạm khoa yếu lược (1916); Sơ học An Nam sử lược (1917); Sư phạm yếu lược (1918); Quốc văn giáo khoa thư (3 tập: Lớp Đồng ấu, lớp Dự bị, và lớp Sơ đẳng), Luân lý giáo khoa thư, Sử ký giáo khoa thư (soạn chung với Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, do Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ minh họa, 1926).

Trần Trọng Kim tích cực tham gia hoạt động báo chí với mục đích phổ biến chữ Quốc ngữ, phổ biến kiến thức và xây dựng nền quốc học. Ông tham gia viết cho Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh. Trần Trọng Kim cũng đã hợp tác với Shneider cho ra tờ Học báo, mà ông là chủ bút đã phục vụ rất tốt cho hoạt động giáo dục, không chỉ phổ biến kiến thức mà còn góp phần xây dựng nền nếp văn hóa mới, nhất là văn hóa học đường.

Học giả Tây học bảo tồn vốn cổ

Với tư cách học giả, ông là một nhà nghiên cứu uyên thâm trên nhiều lĩnh vực và đều có tính tiên phong trong bối cảnh chuyển giao từ nền cựu học sang tân học. Các công trình của ông không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sư phạm, giáo khoa mà còn trải rộng ở các lĩnh vực khác như văn học, sử học, văn hóa học, tôn giáo… Có thể kể đến một số công trình quan trọng của ông như: Vương Dương Minh (1914); Việt Nam văn phạm (soạn chung, 1941); Việt Nam sử lược (1920); Truyện Thúy Kiều chú giải (1925); 47 điều giáo hóa triều Lê (có bản dịch ra tiếng Pháp - 1928); Nho giáo (3 tập từ 1930 - 32); Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay (1938); Phật Lục (1940); Quan niệm về nhân sinh, Vũ trụ đại quan (1943), Đường thi; Lăng ca kinh; Hạnh thục ca…

Việt Nam sử lược là cuốn sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, phản ánh tương đối toàn diện về nhiều lĩnh vực trải khắp chiều dài lịch sử dân tộc từ thời kỳ dựng nước đến khi thực dân Pháp xâm lược một cách khách quan, ngắn gọn, súc tích, dễ tiếp nhận các vấn đề theo trình tự thời gian. Quan điểm sử học tiến bộ của ông: “Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực như thế nào mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này”.

Trần Trọng Kim là người đi đầu trong việc nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam. Ông đã thực hành phương pháp nghiên cứu mới của tân học để nghiên cứu Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Bộ sách Nho giáo là công trình nghiên cứu về Nho giáo có quy mô, hệ thống đầu tiên ở Việt Nam. Phan Khôi nhận định: “Bộ sách Nho giáo của Trần Trọng Kim là một công trình lớn, nhiều công phu và lắm giá trị. […] Nho giáo là sách của Trần tiên sanh đã dùng thực lực và lắm công phu nghiên cứu mà soạn ra, mọi người Việt Nam đều nên đọc”.

Với tư cách đứng đầu Ban Khảo cứu của Hội Phật giáo Bắc kỳ, Trần Trọng Kim đã quy tụ các học giả, nhà nghiên cứu cả Tây học và Nho học có tiếng như Trần Văn Giáp, Bùi Kỷ, Nguyễn Thiện Chính, Lê Toại, Nguyễn Trọng Thuật… để nghiên cứu, chuyển ngữ kinh Phật sang quốc ngữ. Riêng ông đã có nhiều nghiên cứu công phu như Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay (1938); Phật Lục (1940). Ông còn viết cho báo Đuốc Tuệ và nhiều lần diễn thuyết về Phật giáo rất được hưởng ứng.

Ông còn có loạt bài trên Nam Phong tạp chí nghiên cứu Đạo Giáo, tiếc là chưa in thành sách. Ngoài ra ông còn có bản thảo Vũ Trụ quan và Thiên văn học chưa hoàn thiện và xuất bản.

Về dịch thuật, chuyển ngữ không thể không nhắc đến công trình Việt thi và nhất là Truyện Kiều (cùng Bùi Kỷ) chuyển từ chữ Nôm sang quốc ngữ. Cho đến hiện nay, theo giới Kiều học thì đây vẫn là bản Quốc ngữ được đánh giá là tốt nhất, được tái bản nhiều nhất.

Trần Trọng Kim còn cho biết có kế hoạch biên soạn Việt Nam từ điển, Hán Việt từ điển, Pháp - Việt từ điển… Tiếc là ông không kịp thực hiện các công trình này.

Về vai trò học giả của ông, Giáo sư Dương Quảng Hàm nhận định: “Trần Trọng Kim (hiệu Lệ Thần) là một nhà sư phạm đã soạn nhiều sách giáo khoa có giá trị và một học giả đã có công khảo cứu về Nam sử và các học thuyết cổ của Á Đông”.

Còn nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan thì nhận xét: “Ông có cái khuynh hướng rõ rệt về loại biên khảo; chỉ đọc qua các đề sách của ông, người ta cũng có thể thấy ngay: hết lịch sử, đến đạo Nho, đến đạo Phật, rồi lại đến mẹo luật tiếng Việt Nam. Ông là một nhà giáo dục, nên thường những sách của ông toàn là sách học cả”.

Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ, khái quát: “Ở Trần Trọng Kim ta thấy một đặc điểm là mặc dù sớm theo Tây học, lại sang cả Pháp du học, song ông đã có với văn hóa Đông phương một mối kính cẩn sâu xa. […]. Sự phối hợp giữa một phương pháp biên khảo mới mẻ và một kho kiến thức phong phú cộng thêm vào một thiện chí theo đuổi “cúc cung tận tụy” đã khiến cho những công trình của ông có một giá trị vững bền và đặt ông vào hàng đầu các nhà biên khảo giai đoạn này”.

 

Công cuộc duy tân văn hóa giáo dục đầu thế kỷ XX đã cách nay hơn trăm năm nhưng vai trò bản lề để Việt Nam chuyển sang hiện đại thì vẫn còn nguyên vẹn. Các đóng góp của học giả Trần Trọng Kim vào công cuộc đó vẫn còn ý nghĩa lâu dài với đời sống văn hóa, giáo dục và học thuật nước nhà.

Kinh tế đô thị cuối tuần