Tại diễn đàn, các đại biểu đã được ban cố vấn "Nhịp cầu nhà nông" là những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp tư vấn, giải đáp các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…
Chia sẻ “bí quyết” chăm sóc cây trồng, vật nuôi hiệu quả
Giải đáp câu hỏi về sâu bệnh hại trên cây bưởi của một số nông dân, TS Cao Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây có múi khuyến cáo: “Nhện đỏ, nhện trắng gây hại trên cây bưởi vào thời điểm thời tiết hanh khô. Do đó, bà con nên phun thuốc phòng ở giai đoạn bưởi to bằng hạt lạc/nút chai thì mới hiệu quả, và nên đổi loại thuốc vào mỗi lần phun. Tuy nhiên, biện pháp tối ưu hơn cả là bà con nên phun nước lã cho cây vào sáng sớm và chiều mát thì sẽ hiệu quả hơn phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học”.
TS Cao Văn Chí cũng cung cấp thêm cho các hộ nông dân muốn trồng bưởi da xanh. Cụ thể, cây bưởi da xanh có thể trồng trên nền đất thịt nhẹ (đất 1 lúa) bởi chu kỳ sinh trưởng, phát triển và phương pháp chăm sóc tương tự với bưởi Diễn. Nếu trồng ở đất thịt hoàn toàn thì chất lượng bưởi sẽ không đạt và giảm theo các năm.
Trả lời các câu hỏi của nông dân về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, PGS.TS Kim Văn Vạn – Trưởng khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: “Bà con Đan Phượng có thể nuôi được tôm càng xanh vì tôm sinh trưởng tốt tại môi trường nước ngọt, chỉ khi sinh sản mới cần môi trường nước lợ. Song, bà con cần lưu ý phòng chống rét tốt cho tôm càng xanh vào thời điểm Đông Xuân”.
PGS.TS Kim Văn Vạn cũng hướng dẫn cụ thể cho các hộ muốn tìm hiểu mô hình nuôi lươn không bùn. Theo PGS.TS Kim Văn Vạn, nông dân có thể nuôi bằng bể bạt hoặc tận dụng các chuồng trại chăn nuôi bỏ trống. Dùng giá thể để cho lươn dựa vào không cần bùn như buộc dây nilon thành bó và sử dụng thức ăn công nghiệp chuyên dụng cho lươn. Nuôi lươn cho giá trị kinh tế cao, tránh được khai thác ngoài môi trường tự nhiên do khan hiếm hoặc không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Giải đáp câu hỏi của nông dân về đầu ra cho sản phẩm bưởi Diễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, các mô hình trồng bưởi Diễn tại Đan Phượng có chất lượng tốt, đang tiêu thụ thuận lợi và giá bán tương đối cao trung bình 35.000 đồng/quả. Tuy nhiên, để kết nối được với các DN đưa sản phẩm vào các bếp ăn tập thể, trường học… thì các hộ trồng cần tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, sản phẩm phải được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng nông dân vượt khó, làm giàu
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, Đan Phượng là huyện đi đầu TP về xây dựng nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến hết năm 2020, 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với tốc độ tăng trưởng đạt 4,7% /năm trở lên. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Từ đó, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã có 8 mô hình ứng dụng công nghệ cao, cho giá trị kinh tế lên tới hàng tỷ đồng/ha/năm.
6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời tiết nắng nóng kéo dài, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và người nông dân, đặc biệt là người chăn nuôi. Vì vậy, Đan Phượng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân vượt khó khăn, ổn định sản xuất. Do đó, diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” là cơ hội quý báu để bà con nông dân trong huyện được trực tiếp trao đổi những vấn đề băn khoăn, những khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp với các chuyên gia, nhà quản lý.
“Diễn đàn không những giúp nông dân nắm bắt tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác mà còn là dịp để các hộ sản xuất, chủ trang trại học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giúp nhau làm giàu” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng nhấn mạnh.