Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trang bị kỹ năng thoát hiểm cho công nhân phòng chống quấy rối tình dục

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nguy cơ bị quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc là vấn đề không ít nữ công nhân đang phải đối mặt. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về nội dung này, TS. Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - về nội dung này và đưa ra những giải pháp phòng chống QRTD ở nơi làm việc.

Nhận diện những nguy cơ bị quấy rối tình dục
Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc; tuy nhiên vẫn xảy ra đối với nữ công nhân. Vì nhiều lý do, người bị QRTD thường cam chịu, không dám nói. Theo ông, những nguy cơ nào dẫn đến tình trạng nữ công nhân bị QRTD?
- QRTD vẫn đang còn là vấn đề ít được nói đến. Thông thường, QRTD xảy ra nhiều giữa người lao động (NLĐ) với nhau và có trường hợp giữa cán bộ quản lý cấp trên và cấp dưới. Về nguy cơ dẫn đến QRTD, trước hết là do môi trường, điều kiện làm việc. Chúng tôi có đi khảo sát và nhận được những phản ánh; ví dụ, công nhân đi sửa máy may cố tình soi mói, động chạm vào chị em; trong quá trình nam nữ làm việc với nhau có những lời nói có thể tính vào là hành vi QRTD.
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn TS. Vũ Minh Tiến nhận diện những nguy cơ quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Nguy cơ thứ hai dẫn đến QRTD là do nhận thức của nhiều công nhân nam, nữ không biết thế nào là quấy rối, hoặc khi bị quấy rối thì không biết phải làm sao. Thứ nữa là do nội quy của công ty chưa đầy đủ về QRTD; chưa có quy trình xử lý, phát hiện và kỷ luật; hành vi vi phạm không bị phát hiện, xử lý. NLĐ rất dễ có nguy cơ bị QRTD, trong khi đó lại rất khó chứng minh hành vi này bởi thông thường nhiều trường hợp xảy ra chỉ có 2 người với nhau.  Rồi, người Á Đông có tâm lý e ngại, không dám nói ra cũng dẫn đến nguy cơ NLĐ bị QRTD.
Đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, nhiều DN thực hiện mô hình “3 tại chỗ. Nhưng, có những ý kiến cho rằng, mô hình này rất có thể dẫn đến nguy cơ công nhân bị QRTD. Theo ông, trường hợp nếu dịch Covid-19 vẫn phức tạp, DN nên hoạt động theo hướng nào để NLĐ yên tâm sản xuất, ăn, nghỉ tại công ty nhiều ngày liên tục?
- Trong điều kiện bình thường, nguy cơ QRTD đã rất đáng quan tâm; còn trong trường hợp dịch Covid-19, thực hiện mô hình “3 tại chỗ” thì NLĐ càng băn khoăn và lo lắng nhiều hơn. Điều này thể hiện qua phỏng vấn, có nhiều công nhân phàn nàn về chỗ ăn, nghỉ không đảm bảo riêng tư; chỗ tắm, giặt, quá trình sinh hoạt tiềm ẩn nguy cơ vi phạm về QRTD.
Nguy cơ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc là vấn đề không ít nữ công nhân đang phải đối mặt. Ảnh: Thanh Hải.
Tôi cho rằng, trong điều kiện đặc biệt này, DN cần cân bằng giữa hai yếu tố: Tập trung sản xuất, kinh doanh và đảm bảo sức khỏe trước mắt và lâu dài, cũng như sức khỏe sinh sản và phòng chống QRTD cho công nhân. Theo đó, trong các DN, những ngành nghề, công xưởng đáp ứng được yêu cầu tối thiểu mô hình “3 tại chỗ” thì thực hiện. Ví dụ một số doanh nghiệp có môi trường sạch sẽ, rộng rãi và thoáng mát thì tạo dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng, nhà tắm, bố trí chỗ ăn chỗ ngủ cho công nhân.
Bên cạnh đó còn có các mô hình khác như “1 cung đường, 2 điểm đến”, có các ký túc xá, khu trọ riêng cho từng nhóm DN... để công nhân nghỉ ngủ sau thời gian làm việc. Như vậy, chỉ với 2 điểm đến (nơi ở và nơi sản xuất) tạo thành vùng xanh thì NLĐ mới có thể làm việc được lâu dài được.
Nêu gương phòng chống quấy rối tình dục
Mới đây, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử và Sổ tay hướng dẫn phòng chống QRTD tại nơi làm việc. Theo chuyên gia, cần phải có chế tài thế nào để các DN tuân thủ thực hiện nghiêm quy định phòng chống QRTD tại nơi làm việc?
Theo tôi, điều quan trọng nhất là kiểm tra, thanh tra, phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Bởi vì chúng ta cũng cần biết có bao nhiêu DN không xây dựng nội quy về QRTD; không quy định những hành vi QRTD nào thì bị kỷ luật, sa thải; không có quy trình phát hiện hành vi; xử lý vi phạm, v.v…
Luật đã chú trọng chế tài xử phạt hành vi QRTD. Nhưng cái khó hiện nay là thiếu quy định những hành vi cụ thể để xử phạt, quy trình xử lý và không dễ để nhận diện, xác định hành vi QRTD.
Tôi đề xuất có hình thức nêu gương những đơn vị, cá nhân làm tốt phòng chống QRTD trong báo cáo định kỳ 6 tháng, hằng năm của các cơ quan quản lý hoặc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, công khai danh sách những DN vi phạm pháp luật lao động, trong đó có QRTD để bảo đảm tính giáo dục và răn đe chung và riêng.
 Vấn đề quan trọng nhất là tuyên truyền, phổ biến cho NLĐ có nhận thức thế nào là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Về phía NLĐ cần được trang bị thông tin nhận diện, kỹ năng cần thiết, cách ứng xử ra sao khi bị QRTD, thưa ông?
Vấn đề quan trọng nhất ở đây là tuyên truyền, phổ biến cho NLĐ có nhận thức thế nào là hành vi QRTD tại nơi làm việc. Thứ hai là mỗi DN là cần phải quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc nhận diện rõ thế nào là hành vi QRTD tại nơi làm việc; quy trình khiếu nại xử lý; ai là người tiếp nhận thông tin bị QRTD để NLĐ được biết. Đồng thời, DN giáo dục tuyên truyền cho người bị QRTD vượt qua tâm lý e ngại để tố cáo những hành vi vi phạm.
Đặc biệt, NLĐ cần phải được trang bị những kỹ năng từ chối các hành vi nhạy cảm, dự đoán tình huống có thể phát sinh QRTD, kỹ năng thoát hiểm…NLĐ rất nên được hướng dẫn cách sử dụng điện thoại để ghi âm, ghi hình nhằm tạo chứng cứ rất quan trọng trong bảo vệ tố cáo của mình.
QRTD tại nơi làm việc là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến công nhân lao động và DN. Về vấn đề này, dự kiến trong năm 2022, Viện Công nhân và Công đoàn sẽ phối hợp với một viện nghiên cứu triển khai dự án nghiên cứu, thực hành về phòng chống QRTD tại nơi làm việc. Với dự án này, chúng tôi kỳ vọng sẽ có bức tranh được minh họa bằng các dẫn chứng, đặc biệt là các con số cụ thể đánh giá về nhận thức, về các hành vi QRTD, về nhu cầu thông tin…Trên cơ sở đó xác định DN, NLĐ ở những ngành nghề nào, nhóm tuổi nào có mong muốn nâng cao nhận thức ra sao; hình thức tuyên truyền thế nào là phù hợp... Dự án sẽ có những bộ tài liệu, mẫu hướng dẫn để hỗ trợ các công đoàn cơ sở, DN xây dựng cái quy tắc ứng xử cụ thể hóa hơn, công khai thông tin, xử lý...để nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi của mọi người về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!