Vậy nhưng giờ đây, người phụ nữ nhỏ nhắn này đã gây dựng thành công một trang trại rộng trên 60ha, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Xử lý triệt để chất thải chăn nuôi
Năm 2007, chị Trương Kim Hoa nhận thuê đất tại chân núi Vua Bà thuộc xã Yên Bình và bắt tay vào chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Khác với phương thức chăn nuôi sử dụng nhiều thức ăn tổng hợp, nguồn thức ăn cho lợn tại trang trại của chị chủ yếu là rau củ quả, thực phẩm lên men bằng chế phẩm sinh học. Ngay cả phòng trừ dịch bệnh, chị cũng ưu tiên dùng các sản phẩm tự nhiên như gừng, tỏi, sài đất, khổ sâm…
Đến nay, Trang trại Hoa Viên của chị đã phát triển tổng đàn trên 1.000 con lợn bố mẹ và hàng ngàn lợn thương phẩm. Hiện, trung bình mỗi năm cung ứng cho thị trường trên 10.000 lợn giống và lợn thương phẩm. Đó cũng là khi bài toán chất thải trong chăn nuôi được đặt ra.
Để giải quyết nguồn chất thải rất lớn từ chăn nuôi lợn, chị Trương Kim Hoa đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ enzyme vào xử lý, tạo nguồn thức ăn để nuôi trùn quế. Quy trình tạo ra 3 sản phẩm: Phân trùn quế, trùn quế giống và trùn quế thịt. Nhờ nuôi trùn quế, trang trại đã xử lý được khoảng 30.000 tấn chất thải phát sinh.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên trùn quế được ứng dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, không nhiều cơ sở có khả năng tự lai tạo được giống trùn quế như Trang trại Hoa Viên. Không chỉ kháng bệnh tốt, có khả năng phân huỷ chất hữu cơ vượt trội, giống trùn quế tự lai tạo còn thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở miền Bắc.
Điều đáng khích lệ, phân trùn quế được sản xuất tại Trang trại Hoa Viên đã được Tổ chức CERES quốc tế của Cộng hoà Liên bang Đức chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. Sản phẩm cũng được Bộ NN&PTNT cấp chứng nhận lưu hành toàn quốc với thương hiệu “Phân hữu cơ Đại Ngàn”.
Rau hữu cơ “5 không”
Không chỉ dừng lại ở chăn nuôi lợn sinh học, từ năm 2013, chị Hoa mở rộng lĩnh vực sản xuất rau áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ. Điểm đặc biệt trong phương thức canh tác của chị Hoa là rau được bón phân ủ hoai từ chính chất thải chăn nuôi lợn của trang trại, kết hợp với “Phân hữu cơ Đại Ngàn” được sản xuất từ trùn quế.
Mặc dù diện tích canh tác rất lớn nhưng việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vẫn được chị Trương Kim Hoa đặc biệt quan tâm. Theo đó, nguồn nước được dẫn từ núi Vua Bà vào bể tích trữ, rồi chảy vào hệ thống tưới tự động, cung cấp nguồn nước thường xuyên, an toàn cho quy trình sản xuất rau hữu cơ.
Chủ trang trại Hoa Viên rộng trên 60ha cho rằng, người tiêu dùng hiện nay đang ngày càng trở nên thông thái trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho sức khoẻ. Do đó, sản xuất an toàn là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của trang trại.
Cũng bởi vậy, ngay từ khi bắt tay vào canh tác rau hữu cơ, chị Hoa đã áp dụng phương thức canh tác “5 không” (không bón phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc trừ cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không cây trồng chuyển gen).
Sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) Certificate No: 91038 Certified Organic by CERES và chứng nhận hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn IFOAM Norms for Organic Production với mã số chứng nhận: VICA S052-PRO-0005.
Cùng với duy trì chất lượng, chị Trương Kim Hoa cũng rất chú trọng tới xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm. Được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, rau củ quả của trang trại Hoa Viên đã được cấp nhãn hiệu “Rau sạch Đại Ngàn”.
Sản phẩm hiện đã có mặt tại nhiều hệ thống bán lẻ, siêu thị trên toàn quốc. Không chỉ mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, trang trại còn đang tạo công ăn việc làm thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng cho hàng trăm lao động nông thôn.
Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt tại trang trại Hoa Viên là một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu trên địa bàn TP. Không chỉ giúp tạo ra những sản phẩm an toàn chất lượng, mô hình còn rất thân thiện với môi trường nhờ giải quyết triệt để vấn đề chất thải trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là hướng phát triển các trang trại mà Hà Nội đang hướng đến.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường