Nhiều băn khoăn
PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, tiếng Việt đang sử dụng hiện nay có những bất hợp lý, cụ thể là sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…). Vì thế, PGS Hiền đề xuất một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu. Theo đó, sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt, bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt. Theo ông Hiền, cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng, giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31…
|
Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công trong giờ học tiếng Việt. Ảnh: Phạm Hùng |
Tuy nhiên, đề xuất khiến dư luận băn khoăn. "Nếu việc đề xuất thay đổi chữ tiếng Việt thành công thì 100% người dân Việt Nam phải đào tạo lại hệ thống chữ viết từ đầu" - anh Nguyễn Mạnh Thắng (quận Long Biên) bày tỏ. Chị Nguyễn Thùy Trang (quận Ba Đình) cũng phản ứng: "Tôi không nghĩ việc cải tiến chữ quốc ngữ sẽ thành công. Những đề tài nghiên cứu này tốn tiền, hao sức mà không ứng dụng vào thực tiễn được". Một giáo viên trường PTTH Đống Đa (quận Đống Đa) cũng cho rằng, "mới đọc qua cứ ngỡ đó là ngôn ngữ của tuổi teen mà chúng ta từng lên án vì đã làm biến tướng sự trong sáng của tiếng Việt".
Có cần thiết cải tiến?Đề xuất cải tiến này không chỉ khiến người dân băn khoăn mà các nhà giáo, chuyên gia giáo dục cũng không ngừng bày tỏ quan điểm riêng, trong đó nhấn mạnh câu hỏi: "Có cần thiết cải tiến?". Hiệu trưởng trường THPT Wellsping Đặng Đình Đại cho rằng, chữ quốc ngữ đã qua mấy thế kỷ, nếu thay đổi phải cân nhắc: Việc dạy trẻ đánh vần sẽ thế nào, ngữ âm mỗi vùng một khác? “Một sự thay đổi có thể tốn cả nghìn tỉ đồng và kéo theo nhiều hệ lụy, bởi khi đó sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống sách giáo khoa từ mầm non đến đại học... Những sự thay đổi này không thể làm gọn trong một vài năm mà phải đến cả 10 năm chưa chắc đã thành công" - ông Đại phân tích. Thực tế, trong 30 - 40 năm qua, đã có những đề xuất, tranh luận để thay đổi, đồng nhất chữ i và y, cuối cùng đến nay viết i nào cũng được. Vậy có cần phải cải tiến?
Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam Nguyễn Hữu Hoành cho biết, vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học đề cập trong những năm qua chứ không riêng gì PGS.TS Bùi Hiền. “Tuy nhiên, không thể thay đổi được và cũng không nên thay đổi, vì chữ viết liên quan đến văn hóa, lịch sử và rất nhiều vấn đề khác" - ông Hoành đánh giá.
Cũng có ý kiến cho rằng đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền không hẳn bất hợp lý, bởi đang hướng đến một nguyên tắc thống nhất về ngôn ngữ Việt, song hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, ý tưởng cải tiến này khá rối rắm, không thể chấp nhận.
Đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền có nhiều điểm không hợp lý và khó khả thi. Bởi hiện nay chữ quốc ngữ đã sử dụng từ rất lâu, tạo thành thói quen. Những bất hợp lý của nó cũng được nhiều người chấp nhận, trở thành chuẩn mực chính tả phổ thông.,. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ |