Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tranh cãi về giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - CFR cho biết theo đề xuất của Tổng thống Obama, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ giảm 1.100 tỷ USD trong 10 năm tới và mức thâm hụt ngân sách vốn chiếm 10,9% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong năm nay sẽ giảm xuống còn 2,9% GDP vào năm 2018.

KTĐT - CFR cho biết theo đề xuất của Tổng thống Obama, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ giảm 1.100 tỷ USD trong 10 năm tới và mức thâm hụt ngân sách vốn chiếm 10,9% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong năm nay sẽ giảm xuống còn 2,9% GDP vào năm 2018.

Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) - một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ, cho rằng kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách trong dự thảo ngân sách năm 2012, được Tổng thống Barack Obama đưa ra hôm 14/2, thiếu tính khả thi do chính quyền của ông Obama đã quá lạc quan trong những tính toán của mình.

CFR cho biết theo đề xuất của Tổng thống Obama, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ giảm 1.100 tỷ USD trong 10 năm tới và mức thâm hụt ngân sách vốn chiếm 10,9% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong năm nay sẽ giảm xuống còn 2,9% GDP vào năm 2018.

CFR đã nêu ra bốn lý do đáng quan ngại đối với những tính toán trong kế hoạch - vốn được cho là bị buộc phải đưa xuống mức dưới 3% GDP, mức các nhà kinh tế cho là bền vững.

Thứ nhất, những dự báo của chính quyền Tổng thống Obama dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế dường như hơi quá lạc quan. Mặc dù trong năm 2011, chính quyền có vẻ thận trọng khi dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với dự báo của lĩnh vực kinh tế tư nhân, song trong những năm tiếp theo thì sự thận trọng này không còn nữa.

Đơn cử năm 2013, chính quyền Obama dự báo kinh tế tăng trưởng 4,4%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,1% của Cơ quan ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) và 3% của lĩnh vực kinh tế tư nhân, và nếu mức dự báo tăng trưởng kinh tế của chính quyền trong năm 2014 là 4,3% thì mức dự báo của CBO và lĩnh vực kinh tế tư nhân chỉ là 3,5% và 2,8%.

Thứ hai, chính quyền Obama dường như cũng đánh giá thấp mức chi phí cho các khoản nợ quốc gia. Trong năm 2012, chính quyền Obama dự báo lãi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ là 3,6%, thấp hơn 0,6% so với mức dự báo của lĩnh vực kinh tế tư nhân, do những thất thoát lớn trong ngân sách.

Theo CFR, dự báo lạc quan về chi phí nợ của chính phủ hiện nay hoàn toàn mâu thuẫn với dự báo tăng trưởng kinh tế cao của họ vì về mặt logic, tăng trưởng kinh tế cao thường đi kèm với mức lãi suất cao hơn.

Thứ ba, thực tế mức thâm hụt ngân sách 3% GDP có thể là bền vững trong quá khứ nhưng chưa chắc đã phải là mức bền vững trong tương lai. Điều này đúng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm xuống do tốc độ tăng dân số chậm lại và việc tham gia vào lực lượng lao động đã đạt đỉnh.

Trong nhiều thế hệ trước, tăng trưởng kinh tế đã được kích thích bởi sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động. Hiện điều này không còn và lực lượng lao động có kỹ năng thấp cũng đang giảm nên tốc độ tăng trưởng cũng giảm.

Cuối cùng, ngay bản thân chính quyền Obama cũng dự báo thâm hụt ngân sách của nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ lại tăng lên sau năm 2018 do dân số giảm và chi phí y tế tăng. Nói cách khác, theo giới phân tích kinh tế, nếu đi theo con đường màu hồng do chính quyền của Tổng thống Obama vạch ra thì ngân sách của Mỹ sẽ nhanh chóng đạt được sự ổn định nhưng rồi cũng sớm quay trở lại giai đoạn khó khăn.

Trong khi đó, ngày 16/2, các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã thúc giục Quốc hội nhanh chóng cắt giảm hơn 61 tỷ USD dành cho chi tiêu nội địa, đồng thời thúc đẩy việc thông qua biện pháp nhằm cắt giảm 14% chi tiêu đối với các chương trình không liên quan đến quốc phòng. Chủ tịch Hạ viện John Boehner nhấn mạnh việc cắt giảm các khoản chi tiêu này để giúp các cơ quan liên bang duy trì hoạt động đến hết tháng Chín.

Cùng ngày, Lầu Năm Góc đã lên tiếng phản đối biện pháp cắt giảm chi tiêu quốc phòng - vốn được các nghị sỹ đảng Cộng hòa hậu thuẫn, đặc biệt là việc đề xuất ngừng chương trình phát triển động cơ thứ hai dành cho máy bay chiến đấu F-35, trị giá 450 triệu USD.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo việc Quốc hội cắt giảm chi tiêu quốc phòng có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, vì thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng vẫn đang ở trong giai đoạn cực kỳ nguy hiểm và không ổn định.

Chi tiêu quốc phòng luôn được coi là một trong vấn đề hóc búa nhất trong dự thảo ngân sách liên bang của Mỹ.

Ngày 14/2, Chính quyền Obama đề nghị Quốc hội phê chuẩn chi ngân sách 2012 cho Bộ Quốc phòng 656 tỷ USD (giảm 2,7% so với mức 674 tỷ USD của tài khóa 2011), trong đó có 118 tỷ USD cho các hoạt động quân sự ở Afghanistan và Iraq; cho ngành giáo dục là 77,4 tỷ USD (tăng 11% so với tài khóa hiện hành).

Dự thảo ngân sách liên bang trong tài khóa 2012 (bắt đầu từ ngày 1/10 tới), được Tổng thống Obama đưa ra hôm 14/2, trị giá 3.730 tỷ USD./.